Theo số liệu của Viện tim mạch, 1-2% dân số thế giới mắc bệnh suy tim, ước tính vào khoảng 26 triệu người.
Tại Việt Nam, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% trường hợp tử vong, gấp 20 lần số tử vong do ung thư và gấp 10 lần số tử vong vì tai nạn giao thông. Số liệu được đưa ra tại hội thảo về “Dự phòng, quản lý tăng huyết áp và bệnh tim mạch” do Bộ Y tế tổ chức vào tháng 4/2017 đã phản ánh thực trạng của căn bệnh nguy hiểm này.
Ngày càng có nhiều người trẻ mắc bệnh tim.
Hầu hết mọi người đều cho rằng bệnh tim khởi phát do yếu tố di truyền, đái tháo đường, béo phì, cao tuổi. Thực tế, chế độ ăn uống và lối sống thiếu lành mạnh mới là “quả bom” gây bùng phát bệnh tim. Thói quen ăn nhiều muối, ít rau xanh, dung nạp các chất béo có hại, lười vận động, hút thuốc lá, thuờng xuyên stress, lo lắng… là những nguyên nhân phổ biến của căn bệnh này.
Bên cạnh đó, người bệnh thường bỏ qua những dấu hiệu nhỏ như tăng huyết áp, khó thở, tức ngực… mà không biết rằng chúng có thể biến chứng nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong đột ngột.
Đã hơn một năm kể từ ngày anh N.V.H. (quận 8, TP.HCM) đột ngột qua đời do cơn đột quỵ, chị gái anh H vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại sự ra đi của em trai.
“Trước khi mất, H không có dấu hiệu nào của bệnh tim. Hàng ngày, H đi làm 8 tiếng, tối về có chạy thêm một dự án cá nhân, cuối tuần vẫn đi nhậu với bạn bè như đúng lứa tuổi 28. Đến khi H mất vì đột quỵ, gia đình mới lý giải nếp sống đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đi đột ngột của H”, chị L thẫn thờ.
Dễ mắc, khó chữa, chi phí điều trị lại tốn kém nên bệnh tim dù nặng hay nhẹ cũng là rào cản kinh tế cho người bệnh và gia đình. Không chỉ tạo áp lực về tài chính, căn bệnh này còn ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần bệnh nhân và người thân.
Bệnh tim có thể đe dọa tính mạng của con người.
Chúng ta thường khóc rất nhiều trước sự ra đi của một người vì chưa dành đủ yêu thương và sự quan tâm khi họ còn sống. Cũng như vậy, bạn sẽ hối hận khi trái tim ngưng đập vì chưa chăm sóc tốt mỗi ngày. Bởi lẽ, trái tim là điều duy nhất khó có thể thay thế, và khi trái tim dừng lại ở nhịp đập cuối cùng, chiếc cầu dao “sự sống” sẽ “sập” xuống, toàn bộ hệ thống ngừng hoạt động. Mọi ước mơ, dự định, hoài bão, yêu thương cũng vì vậy mà “đứt gánh”.
Để thương yêu trái tim, mỗi người chỉ cần thay đổi thói quen sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày như chăm vận động; hạn chế thức khuya; cai thuốc lá, rượu bia; bổ sung dưỡng chất thiết yếu cho trái tim; sống lạc quan yêu đời… Khi trái tim khỏe mạnh, chúng ta sẽ sẵn sàng sống cho một cuộc sống thú vị và ý nghĩa.