Tại Viện Pasteur TP.HCM, vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng lẫn vaccine dịch vụ đều cạn kiệt.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) về tình hình cung ứng vaccine tiêm chủng mở rộng, tính đến đến giữa tháng 1, số lượng các vaccine hiện còn tại các kho của thành phố cũng như số lượng được cung ứng không cao.

Thực trạng này đã được nhiều cơ quan truyền thông phản ánh từ giữa cuối năm 2022, tuy nhiên đến nay, số lượng vaccine được phân bổ từ Viện Pasteur TP.HCM vẫn nhỏ giọt.

Trong khi đó, tại Viện Pasteur TP.HCM, vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng lẫn vaccine dịch vụ đều cạn kiệt.

Viện Pasteur TP.HCM nỗ lực đưa vaccine về

Theo trao đổi, TS.BS Phạm Duy Quang, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Viện Pasteur TP.HCM, cho biết tình hình cạn kiệt các loại vaccine đã kéo dài từ nhiều tháng qua, khoảng giữa năm 2022 đến nay đến đầu năm nay. Nguyên nhân là vướng thủ tục đấu thầu, mua sắm.

Trên website cập nhật tình hình các loại vaccine tiêm chủng của Viện Pasteur TP.HCM đến ngày 7/2, hầu như tất cả vaccine đều hết, còn duy nhất vaccine Prevenar, phòng bệnh viêm màng não, viêm phổi do phế cầu.

TP.HCM sap can vaccine anh 1

TP.HCM sap can vaccine anh 2

Danh mục vaccine tại Viện Pasteur TP.HCM ngày 7/2 đã hết hầu như toàn bộ vaccine.

Viện Pasteur TP.HCM được Bộ Y tế phân công nghiên cứu khoa học, phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm; đào tạo và chỉ đạo tuyến; hợp tác quốc tế; tổ chức cung cấp các dịch vụ về y tế dự phòng, y tế công cộng… Trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, đơn vị này phụ trách phân bổ vaccine cho 20 tỉnh, thành phía nam khi nhận được vaccine từ Bộ Y tế.

Về tình hình thiếu thốn vaccine trong tiêm chủng mở rộng, ThS.BS Lương Chấn Quang, phụ trách khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TP.HCM, cho hay ở các tỉnh không tiêm chậm, có vaccine sẽ tiêm ngay. Đặc biệt, người dân rất chủ động và hối thúc đưa con đi tiêm chủng.

“Còn hiện tại, dù không có đủ vaccine, chúng tôi cũng cố gắng làm tất cả để có vaccine sớm nhất và chức năng của viện là khi có vaccine, sẽ chuyển hết cho các địa phương để tiêm sớm nhất”, bác sĩ Quang nói.

Trước đó, Viện Pasteur TP.HCM đã có văn bản báo cáo đến Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Bộ Y tế, về tình hình thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng tại kho.

Về vaccine dịch vụ, TS Phạm Duy Quang cho hay tin mừng là đơn vị này vừa hoàn tất đấu thầu, đánh giá kỹ thuật và hoàn thiện các vấn đề về tài chính. Dự kiến trong tuần cuối của tháng 2, vaccine đặt hàng sẽ sớm có trở lại.

“Hơn 30 loại vaccine theo chương trình tiêm dịch vụ sẽ có trở lại. Chúng tôi đã rà soát quy trình, làm việc cật lực từ tháng 10/2022 để đưa vaccine về sớm nhất có thể”, TS Quang nói thêm.

TS Quang nhìn nhận hiện tại, có tình huống các đơn vị y tế lo sợ và ngại việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc, vaccine, từ đó ảnh hưởng quyền lợi của người dân. “Chúng tôi bám chắc quy định của Bộ Y tế và các ban, ngành, đấu thầu công khai, minh bạch”, ông Quang nói.

TP.HCM hết nhiều loại vaccine

Theo trao đổi sáng 7/2, thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc HCDC, cho biết từ đầu tháng 1, TP.HCM đã nhận thêm được vaccine phân bổ từ Bộ Y tế và đang triển khai tiêm chủng, trừ vaccine SII (DPT-VGB-HiB).

Theo danh sách các loại vaccine đang được tổ chức tiêm chủng được cập nhật ngày 7/2, cả 4 cơ sở tiêm chủng của HCDC đều hết nhiều loại vaccine, bao gồm:

– Vaccine Td (VN) ngừa bạch hầu – uốn ván.

– Vaccine Rotavin 2 ml (VN) ngừa tiêu chảy cấp do Rotavirus.

– Vaccine Hexaxim (Pháp) và Infanrix Hexa 0,5 ml (VN) ngừa 6 trong 1 gồm bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và viêm màng não mủ.

– Vaccine Heberbiovac HB và Engerix B 20 mcg/1 ml ngừa viêm gan B.

– Vaccine sởi DV ngừa bệnh sởi.

– Vaccine Varicella ngừa thủy đậu.

– Vaccine Stamaril ngừa bệnh sốt vàng.

TP.HCM sap can vaccine anh 3

Điểm tiêm chủng vaccine của HCDC trên đường 3/2, quận 11, vắng vẻ sáng 7/2. Ảnh: Nam Giao.

Theo ghi nhận sáng ngày 7/2, điểm tiêm vaccine của HCDC tại cơ sở 699 Trần Hưng Đạo, quận 5 và cơ sở 957 đường 3/2, quận 11, rất thưa thớt người.

Cơ sở quận 5 hiện tạm hết vaccine 6 trong 1. Khi có phụ huynh hỏi về mũi tiêm này, nhân viên y tế tư vấn sang mũi tiêm 4 trong 1.

Trước đó, Viện Pasteur TP.HCM có văn bản phân bổ 8 loại vaccine cho TP.HCM trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia.

Trong đó, vaccine SII (DPT-VGB-HiB) tức vaccine 5 trong 1, đã tạm hết. Vaccine DPT-VGB-Hib ước tính đang thiếu, không có liều nào được phân bổ cũng như tồn kho tại HCDC.

Vaccine viêm não Nhật Bản (VNNB) 16.000 liều và IPV 4.000 liều. Dự kiến giữa tháng 2, số vaccine tồn kho sẽ hết.

Bại liệt dạng uống (bOPV) 50.000 liều; lao (BCG) 35.000 liều, số lượng tồn không cao, chỉ có thể sử dụng trong thời gian chưa đến 3 tháng tới. Dự tính đến đầu tháng 4, HCDC sẽ thiếu vaccine.

Ngoài ra, các loại vaccine DPT4 (Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván) còn 25.000 liều, sởi 33.000 liều; viêm gan B 20.000 liều cũng đã được HCDC nhận về kho để phân bổ. Tuy nhiên, vaccine viêm não Nhật Bản còn 6.000 liều và vaccine viêm gan B còn 10.000 liều chưa rõ thời gian được phân bố.

Vaccine sởi và MR (Sởi – Rubella) được phân bổ 30.000 liều. Vaccine này có lượng tồn kho tại HCDC cao nhất, nhưng ước tính có thể sử dụng đến tháng 6.

Dựa trên số lượng được phân bổ, vaccine tại kho HCDC chỉ có thể được sử dụng tiêm chủng kéo dài trong vòng một vài tháng tới.

Theo Bích Huệ – Nam Giao (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link