Khẩu nghiệp là nghiệp dễ mắc phải nhất, cũng ít người chú ý vì con người thường nghĩ chỉ cần không làm việc ác là được, còn nói thế nào cũng không có ảnh hưởng gì. Nhiều người nói: “Khẩu xà tâm Phật”, nhưng sự thật thì Phật chẳng bao giờ nói điều tai ương, ác độc.
Khẩu nghiệp là nghiệp rất nặng, bởi vết thương ngoài da thì có thể lành, nhưng vết thương do lời nói để lại trong lòng thì không biết bao giờ mới liền miệng. Người nói thì có thể quên, nhưng người nghe thì nhớ mãi.
Người xưa có câu: “Phúc thủy nan thu” (nước đổ khó hốt, gương vỡ khó lành). Nói chuyện cũng giống như bát nước hắt đi, nước một khi đã đổ đi thì không thể nào thu lại, lời một khi đã nói ra thì không cách nào thu về. Cho nên một lời trước khi nói ra không thể không suy nghĩ thận trọng.
Điều tuyệt đối không nên nói:
Trong một đời người không ai làm chuyện thất đức hàng ngày, nhưng những “lời thất đức”, những lời khó nghe, những lời không đứng đắn vẫn có thể nói hàng ngày. Theo thời gian tích lũy nhiều dần, phúc báo đều từ cái miệng mà chạy đi hết, cho nên, người nói chuyện mà không có khẩu đức, đời này cũng sẽ là ghập ghềnh trắc trở, rất thê lương.
Việc làm xấu ác và những lời độc ác đều đưa đến hậu quả giống nhau, bởi ba nghiệp (thân/khẩu/ý) đều không thiện lành, thanh tịnh; chứ không thể “lời nói theo gió bay đi”, không tổn hại, vô hại – như người ta vẫn thường nghĩ. Đôi khi, những lời nói thô ác, thù hận, còn làm cho người đau đớn hơn là gươm giáo nữa! Tục ngữ cũng đã từng khẳng định từ ngàn xưa“Lời nói là một đọi máu!” cũng không phải là lời dạy quá đáng.
Tam giới đều là những người mang đầy nghiệp, nên dùng cách thương xót để đối xử với những người ấy, chứ không phải mắng mỏ đả kích họ. Mắng người khác chính là mắng bản thân mình, huỷ hoại thanh danh của người khác cũng chính là huỷ hoại danh tiếng của chính mình. Vì thế, khi nói đến thiếu sót của người khác thì phải cẩn thận, nếu không cần thiết thì tốt nhất đừng tuỳ tiện nói ra. Nói đùa và ác khẩu, sớm muộn cũng sẽ nhận được quả báo.