Trầm cảm là tình trạng mà một người cảm thấy chán nản, buồn bã, tuyệt vọng, không có động lực hoặc không còn ham thích điều gì trong cuộc sống. Khi những điều này chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn, đây có thể là cảm giác chán nản nhất thời.
Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài trên hai tuần và những cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày như chăm sóc gia đình, các mối quan hệ, công việc hay học tập, khả năng cao là bạn đang bị trầm cảm.
Các biểu hiện và triệu chứng
Nỗi buồn chỉ là một phần nhỏ của bệnh trầm cảm. Một số người bị trầm cảm thậm chí không hề cảm thấy buồn bã. Các triệu chứng của trầm cảm rất đa dạng, bao gồm cả những biểu hiện vật lý. Nếu bạn đã được trải qua một trong những dấu hiệu sau trong ít nhất 2 tuần, bạn có thể đang bị trầm cảm:
– Tâm trạng buồn bã, lo lắng hoặc “trống rỗng” kéo dài.
– Cảm giác tội lỗi, vô dụng, bất lực.
– Đánh mất niềm vui trong cuộc sống, không còn những sở thích.
– Cạn kiệt năng lượng, mệt mỏi, chậm chạp, uể oải.
– Không tập trung, hay quên, khó đưa ra quyết định.
– Khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
– Thay đổi khẩu vị hoặc trọng lượng.
– Suy nghĩ tiêu cực, thậm chí nghĩ đến cái chết.
– Bồn chồn, bất an.
– Đau đầu, đau lưng, đau cơ khớp và đau ngực.
Các loại trầm cảm
Trầm cảm nặng
Các triệu chứng nghiêm trọng làm giảm khả năng làm việc, học tập và gây trở ngại cho các sinh hoạt hàng ngày bao gồm giấc ngủ, ăn uống và tận hưởng cuộc sống. Loại trầm cảm này thường xảy ra một lần duy nhất trong cuộc đời, nhưng vẫn có khả năng tái diễn nhiều lần.
Rối loạn trầm cảm dai dẳng
Tâm trạng chán nản kéo dài ít nhất 2 năm. Khi mắc chứng rối loạn trầm cảm dai dẳng, bạn có thể trải qua những cơn trầm cảm nặng song hành cũng các triệu chứng ít nghiêm trọng.
Ngoài ra, một số hình thức trầm cảm hay gặp ở phụ nữ và chỉ xuất hiện vào những thời điểm nhất định như sau:
Trầm cảm sau sinh
Sự thay đổi nội tiết tố và áp lực trong việc chăm sóc bé sơ sinh khiến một số người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh. Tình trạng này nghiêm trọng hơn nhiều so với hội chứng “baby blues” (trạng thái khóc lóc và ủ rũ) mà nhiều sản phụ phải đối mặt. Theo ước tính, khoảng 10 – 15% phụ nữ bị trầm cảm sau khi sinh.
Rối loạn cảm xúc theo mùa
Loại trầm cảm này xuất hiện vào những tháng mùa đông, khi có ít ánh sáng mặt trời tự nhiên. Tình trạng sẽ cải thiện vào mùa xuân và mùa hè. Trầm cảm theo mùa có thể được điều trị hiệu quả bằng liệu pháp ánh sáng hoặc các loại thuốc chống trầm cảm và tâm lý trị liệu.
Điều trị trầm cảm
Đầu tiên, bạn hãy đánh giá xem bản thân có những dấu hiệu của trầm cảm hay không. Nếu có, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân đằng sau sự trầm cảm. Sau đây là một số điều bạn nên làm khi bị trầm cảm:
– Tìm hiểu kiến thức để có hiểu biết đầy đủ.
– Xem xét việc dùng thuốc theo toa.
– Thử các phương pháp tâm lý trị liệu.
– Thay đổi lối sống: ngủ đúng giờ, tập thể dục đều đặn, ăn uống lành mạnh,…
– Tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người bạn tin tưởng.
– Thay đổi hành vi, suy nghĩ tích cực.