Mấy năm gần đây, dù tuổi cao, sức yếu, Út Bạch Lan vẫn gắn bó vói nghiệp hát ở CLB Sân khấu Lạc Long Quân và CLB sân khấu Hoa Lan Trắng, biểu diễn các chương trình văn nghệ từ thiện. Ngay cả khi bị phát hiện mang căn bệnh ung thư gan từ đầu năm nay, bà vẫn không chịu rời xa ánh đèn sân khấu.
Ngày 24/10, bà vẫn đến rạp Công Nhân để tập vở “Mẹ ngồi sàng gạo” (kịch bản: NSƯT Bắc Sơn) để gây quỹ trao học bổng cho con em nghệ sĩ nghèo và công nhân sân khấu gặp hoàn cảnh khó khăn. Không mấy ai ngờ đó chính là suất tập cuối cùng của bà.
Năm 1935, vùng đất Lộc Giang (huyện Đức Hòa , Long An) sản sinh ra một nữ kiệt cùa làng cải lương, thuở nhỏ tên là Đặng Thị Hai. Chưa đầy đôi mươi, cô gái ấy lên Sài Gòn, tình cờ gặp danh cầm Văn Vỹ để hợp thành một cặp đôi đi hát rong, mang giọng hát ngọt ngào cùng tiếng đàn vĩ cầm mùi mẫn thêu dệt nên những câu chuyện tình đời thấm đẫm sầu bi, chinh phục lòng người.
Sau một thời gian phiêu bạt giữa dòng đời gió bụi, “cặp đôi nghệ sĩ” này được mời về đài phát thanh Pháp Á để ghi âm, với tác phẩm đầu tiên là bài “Trọng Thủy – Mỵ Châu”. Từ đó, bà ký hợp đồng với đài, bước chân vào giới nghệ sĩ, mang nghệ danh Út Bạch Lan.
Đến thập niên 1950, cặp diễn viên Út Bạch Lan – Thành Được nổi lên như những ngôi sao sáng làm rạng rỡ sân khấu Kim Chưởng, sau đó là đoàn cải lương Thanh Minh. Giọng hát trầm buồn, u uẩn của bà làm mê đắm biết bao khán giả, để rồi họ tặng cho bà biệt danh “Sầu nữ” – thương hiệu gắn bó với bà đến trọn đời…
Cuộc hôn nhân từ sân khấu đến đời thực giữa bà với nghệ sĩ Thành Được không kéo dài. Sau hôn nhân tan vỡ, bà lập đoàn hát Tân Hoa Lan và diễn với NS Thanh Tú.
Được xem “hậu bối” của NSND Phùng Há, suốt hơn nửa thế kỷ ca hát, bà đã lấy không biết bao nhiêu nước mắt của người đời với lối diễn xuất tự nhiên nhưng đầy kỹ thuật, trau chuốt qua quá trình khổ luyện, qua các vở diễn: “Dưới hàng phượng vĩ”, “Nước mắt kẻ sang Tần”, “Tình cô gái Huế”, “Thuyền ra cửa biển”, “Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ”, “Nước chảy qua cầu”, “Biên Thùy nổi sóng”, “Tình tráng sĩ”, “Nhớ rừng”….
Đặc biệt, với vai chị Hằng (Vở “Con gái chị Hằng” – Hà Triều – Hoa Phượng) là vai vàng giúp bà đạt tới đỉnh vinh quang.
Bà cũng chính là nghệ sĩ có lượng đĩa hát được ghi âm nhiều và đa dạng nhất, gồm cả đĩa đơn, đĩa tuồng đa dạng từ xã hội, cổ tích, sử Việt Nam đến Trung Hoa, Tây, Nhật…
Bên cạnh biệt danh “Sầu nữ”, bà còn được báo giới và công chúng đặt cho nhiều biệt danh khác như: “Đệ nhất đào thương”, “Nữ hoàng vọng cổ”, “Vương nữ Sương chiều”…
Khi về già, bà vẫn tham gia truyền nghề cho các thế hệ nghệ sĩ trẻ với tất cả tâm huyết. Ở tuổi 80, mỗi khi trong người thấy khỏe, bà luôn sẵn sàng đến với những nơi nào mời hát từ thiện. Bà cũng chính là người sáng lập ra nhóm từ thiện Hoa lan trắng với các nghệ sĩ Diệu Hiền, Thanh Sử… với nhiều hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa.
Xin thắp nén nhang vọng tới hương hồn bà – người nghệ sĩ suốt đời cống hiến cho nhân dân!
Linh cữu NSƯT Út Bạch Lan quàn tại chùa Ấn Quang 243 Sư Vạn Hạnh, phường 9, quận 10, TP HCM. Lễ viếng từ 13 giờ ngày 5/11. Lễ động quan lúc 7 giờ ngày 8/11, sau đó hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.