Theo Công văn 5039/BNV-TCCB của Bộ Nội vụ về việc hoán đổi ngày nghỉ hàng tuần các dịp nghỉ Lễ, Tết năm 2017 gửi Bộ LĐ-TB&XH, dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức) được nghỉ 4 ngày liên tục.
Theo đó, cán bộ, công chức nghỉ ngày Lễ vào thứ Năm, có 1 ngày làm việc xen kẽ là thứ Sáu. Theo phương án của Bộ LĐ-TB&XH hoán đổi 1 ngày làm việc với 1 ngày nghỉ hằng tuần và sẽ đi làm bù vào ngày thứ Bảy (15/4) cho ngày nghỉ thứ Sáu (7/4).
Số ngày nghỉ liên tục là 4 ngày, từ 6-9/4. Theo phương án này Bộ Nội vụ cơ bản thống nhất.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét phương án, có thể đi làm vào thứ Bảy tuần trước (1/4, tức ngày 5/3 âm lịch) để nghỉ hoán đổi cho ngày thứ Sáu (7/4).
Như vậy, thời gian hoán đổi làm việc trước nghỉ sau có tính hợp lý và liên tục hơn.
Cũng tại văn bản này, Bộ Nội vụ thống nhất với Bộ LĐ-TB&XH về phương án nghỉ vào dịp 30/4, 1/5 là 4 ngày từ 29/4 đến hết 2/5; dịp Quốc khánh 2/9 nghỉ 3 ngày từ 2-4/9.
Ngày mùng 10 tháng 3 mới có lịch sử trăm năm
Ngày nay có câu thành ngữ: “Dù ai đi ngược về xuôi; Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”. Tuy vậy, ít người biết rằng việc ấn định ngày giỗ tổ Hùng Vương vào ngày mùng 10 tháng 3 chỉ mới được bắt đầu từ cách nay hơn 100 năm.
Theo bài viết “Giỗ tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch bắt đầu từ bao giờ?” đăng trên trang Phú Thọ Online thì việc này là do quan Tuần phủ tỉnh Phú Thọ tên là Lê Trung Ngọc tâu lên triều đình nhà Nguyễn và sau đó Bộ Lễ quyết định vào năm 1917.
Ông Lê Trung Ngọc làm quan Tuần phủ tỉnh Phú Thọ từ tháng 2 năm 1915 đến tháng 1 năm 1921. Ông sinh năm 1867 ở tổng Dương Minh, huyện Bình Dương, tỉnh Chợ Lớn (nay là phường 5 và phường 6, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh).
Năm 1883, sau khi học xong trường Hậu Bổ Cây Mai Sài Gòn (Collège dés Stagiaires), ông được bổ ra Bắc làm việc trong chính quyền các cấp của triều đình nhà Nguyễn. Từ năm 1903 đến khi nghỉ hưu năm 1927 ông đã trải qua nhiều vị trí như: Tuần phủ Bắc Ninh; Thương tá Vĩnh Yên; Án sát tỉnh Sơn Tây; Tổng đốc tòa Thượng thẩm, Hà Nội… trong đó có thời gian từ tháng 2-1915 đến tháng 1/1921 ông làm Tuần phủ tỉnh Phú Thọ.
Trong những năm làm Tuần phủ Phú Thọ, ông Lê Trung Ngọc đã giành nhiều tâm huyết và công sức tu bổ, tôn tạo đền thờ vua Hùng. Ông sống gần dân và đặc biệt quan tâm tới dân. Ông nhận thấy tại xã Hy Cương, phủ Lâm Thao có Lăng miếu thờ phụng Quốc Tổ Hùng Vương, hàng năm nhân dân cả nước nô nức tìm đến lễ bái; họ thường tự chọn ngày tốt theo bản mệnh từng người vào các tháng trong suốt cả năm, tập trung vào mùa xuân và mùa thu chứ không định rõ ngày nào, trong khi tục lệ của dân bản xã lại lấy ngày 11 tháng 3 âm lịch hàng năm kết hợp với thờ Thổ kỳ làm lễ tế Tổ tại đền Hùng. Như vậy thời gian lễ bái duy trì kéo dài triền miên, vừa tốn kém tiền của, lãng phí thời gian lại vừa phân giảm lòng thành kính, sự trang nghiêm tri ân công đức các Vua Hùng.
Đầu năm 1917, ông làm bản tấu trình với Bộ Lễ xin định lệ hàng năm lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch để nhân dân cả nước kính tế Quốc Tổ Hùng Vương, trước một ngày so với ngày hội tế của dân xã bản hạt, đồng thời cũng xin miễn trừ các khoản đóng góp của nhân dân địa phương vào các kỳ tế lễ mùa thu.
Ngày 25 tháng 7 năm 1917 (Niên hiệu Khải Định năm thứ nhất), Bộ Lễ ban hành công văn phúc đáp và chính thức định lệ ngày quốc tế/quốc lễ – Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch và quy định nghi thức, nghi lễ, lễ vật tế Tổ hàng năm.
Việc này được ghi trong tấm bia “Hùng miếu điển lệ bi” do Hội đồng kỷ niệm tỉnh Phú Thọ lập và dựng tại đền Thượng – Khu di tích đền Hùng mùa xuân năm Quý Hợi 1923. Theo một bài viết đăng tải trên trang Hanoi.gov.vn, nội dung tấm bia gồm có hai phần. Phần 1 chép lại công văn của Bộ Lễ, phần 2 quy định thể lệ cúng tế.
Công văn của Bộ Lễ như sau: “các vị ở phủ viện đường đại nhân tỉnh Phú Thọ cùng nhau tuân thủ” điều sau đây: “Xã Hy Cương, phủ Lâm Thao có lăng miếu phụng thờ Hùng Vương ở núi Hùng, trải các năm, cả nước đến tế, thường lấy kỳ mùa thu, chọn vào ngày tốt làm lễ, chưa có việc định rõ ngày, mà tục lệ của dân xã đó, lấy ngày 11 tháng Ba, kết hợp với thờ thổ kỳ, làm lễ riêng… (sự thể này dẫn tới chỗ) thường hứng bất kỳ, hội họp cũng lãng phí theo sở thích, còn lòng thành thì bị kém đi… (Vì thế) cẩn thận định lại rằng, từ nay về sau, lấy ngày mồng Mười tháng Ba, lĩnh tiền chi vào việc công, phụng mệnh kính tế trước một ngày so với ngày hội tế của bản hạt, khiến nhân sĩ mọi miền đến đây có nơi chiêm bái…”
Phần thứ hai của công văn quy định nghị lễ cúng tế hàng năm: “Nay phụng mệnh theo Bộ Lễ, chuẩn định ngày quốc tế tại miếu Tổ Hùng Vương là ngày mồng Mười tháng Ba. Chiều ngày mồng Chín tháng Ba hằng năm, các quan liệt hiến trong tỉnh, cùng các quan viên trong cả phủ huyện của tỉnh, đều phải mặc phẩm phục, tề tựu túc trực tại nhà công quán. Sáng hôm sau, tới miếu kính tế…”
Vì sao có chuyện “mưa rửa đền” dịp giỗ Tổ?
Người dân quanh vùng đền Hùng vẫn thường nói rằng hội đền Hùng năm nào cũng có mưa rửa đền diễn ra vào trước và sau ngày 10 tháng 3 âm lịch. Mưa rửa đền là một khái niệm để chỉ những cơn mưa diễn ra sau các dịp lễ hội. Người Việt tin rằng ở đây có yếu tố tâm linh thiêng liêng. Sau mỗi mùa lễ hội các đền miếu bị bụi đất do khách hành hương mang tới làm cho bẩn thỉu, nhếch nhác. Do vậy những cơn mưa rào của thiên nhiên có tác dụng rửa sạch những bụi bẩn đó để trả lại sự sạch sẽ linh thiêng cho các đền miếu.
Tuy nhiên, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết là thông thường cứ vào khoảng ngày 7/3, 8/3, 9/3 và các ngày 11/3, 12/3 và 13/3 (âm lịch) trời rất hay đổ mưa. Mưa trước và sau lễ hội có năm to, năm nhỏ, nhưng ít khi nào không mưa. Các cơn mưa này thường có chung một đặc điểm là mưa rào, diễn ra rất nhanh, sau đó tạnh ngay chứ không kéo dài mấy ngày liền như mưa phùn.
Dưới góc độ của người làm khí tượng, khí hậu ông Hải cho rằng việc có mưa vào ngày giỗ Tổ chỉ là hiện tượng trùng hợp ngẫu nhiên. Ông phân tích rằng ngày giỗ Tổ 10/3 âm lịch các năm thường rơi vào tháng 4 dương lịch. Đối với miền Bắc, tháng 4 là tháng thường có mưa nhiều, số ngày có mưa rào và dông trung bình tại Việt Trì lên đến 14 – 15 ngày (xác suất có mưa lên đến 50%). Như vậy, trong 6 ngày (3 ngày trước và 3 ngày sau lễ) kiểu gì cũng phải có 1 – 2 ngày có mưa. Nếu để ý kỹ sẽ thấy, mưa rửa đền không nói cụ thể rơi đúng vào ngày nào mà chỉ cần rơi vào 1 trong 3 ngày trước và 1 trong 3 ngày sau đều được coi là đúng. Vì thế, mưa rửa đền có thể rơi vào ngày 7/3, 8/3 hoặc 9/3; tương tự có thể rơi vào ngày 11/3 hoặc 12/3, 13/3 (âm lịch). Với xác suất 50%, mà chỉ cần 33%, kiểu gì cũng đúng.