Phát biểu của cậu bé học sinh lớp 8 trường Amsterdam ( Hà Nội) tại buổi giới thiệu sách, rằng “giáo dục Việt Nam không cần cải cách mà cần có một cuộc cách mạng”, và đưa ra lời thách thức với lãnh đạo Bộ Giáo dục – Đào tạo: Nếu bây giờ các vị không làm, khi là bộ trưởng cháu sẽ làm” đã gây bão trong dư luận mấy ngày qua. Dư luận đang như mảnh đất khô hạn bỗng được trận mưa rào. Người lớn tán thưởng, có người còn bày tỏ “xin được cúi đầu” thán phục, người thì lại đầy hoài nghi, rằng ai đó đã “mượn mồm” con trẻ.
Mọi người đều có quyền bày tỏ trạng thái của mình. Nhưng dẫu sao thì lời nói của cậu bé đã gãi đúng chỗ ngứa của dư luận, nên nó trở thành nóng.
Bức xúc với những đổi mới, cải cách của ngành giáo dục không phải đến bây giờ, khi cậu học trò nói ra thì dư luận mới nhìn thấy. Ngót ba thập kỷ qua, ai ai cũng đều thấy, đều nói và đã coi những yếu kém trong giáo dục là căn bệnh trầm kha mà chưa tìm được phương thuốc chữa. Nói như giáo sư Hoàng Tụy – thì họ- những người lãnh đạo ngành giáo dục vẫn “ đang tự ru ngủ mình với những thành tựu to lớn, thực và ảo của giáo dục”.
Riêng tôi, không bàn chuyện “lời của cậu bé hay của ai”. Nhưng quả thật, nhìn lại chặng đường ba lần cải cách của ngành giáo dục thì mới hiểu vì sao xã hội đã rất bất bình với những cuộc cải cách của giáo dục nước nhà. Cải đi, cải lại, cuối cùng rồi lại trở về điểm xuất phát, học trò trở thành những con chuột bạch trong phòng thí nghiệm. Và tiếc rằng chẳng thấy ai trong ngành giáo dục chịu trách nhiệm về những thất bại của các cuộc cải cách được cho là đầy đột phát ấy cả. Không ai chịu trách nhiệm trước số tiền khổng lồ được ném vào các cuộc cải cách, nên xã hội không bức xúc mới là chuyện lạ.
Tính đến nay, ngành giáo dục nước nhà có tới ba lần cải cách mà tiếc thay cả ba lần đều chưa giải quyết được khâu yếu kém nhất đó là chưa đổi mới được phương thức dạy và học, trong khi những cải cách, đổi mới lại toàn là chuyện… bên lề như loay hoay đổi mới chữ viết, sách giáo khoa, chương trình… để rồi dư luận phản ứng, thầy trò kêu chữ xấu, học nặng, quá tải…Bộ Giáo dục- Đào tạo lại “đổi mới” bằng cách: chữ viết lại phải quay về nét chữ truyền thống, giảm tải cả chương trình lẫn sách giáo khoa.
Chương trình phân ban được triển khai suốt 10 năm qua, thất bại ai ai cũng nhìn thấy nhưng lãnh đạo Bộ Giáo dục – Đào tạo thì chưa. Ban C thì ngắc ngoải rồi cuối cùng cũng chết yểu sau mấy năm triển khai, ban B thì học sinh ngoảnh mặt vì vẫn thích làm thầy hơn làm thợ, buộc lãnh đạo bộ sau đó phải “đẻ” thêm ban cơ bản mà không hề có tên trong đề án phân ban, nó ra đời từ sự lựa chọn, quyết định của học sinh. Cho đến nay, Bộ Giáo dục- Đào tạo vẫn chưa thừa nhận sự thất bại hoàn toàn của chương trình phân ban ở bậc THPT. Ông Cao Huy Thảo- Hiệu trưởng trường quốc tế Việt – Úc thì từng thẳng thắn: Bộ dường như cố quên đi, muốn tiễn đưa nó một cách lặng lẽ.
Xin được đề cập đến Đề án “2 trong 1” – đề án đổi mới thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học- vừa được Bộ Giáo dục – Đào tạo triển khai trong năm học này, dù đã được bộ đánh giá là chín mùi từ 6 năm về trước, nay mới vừa triển khai cũng đang đẩy Bộ Giáo dục – Đào tạo vào tình thế như ngồi trên đống lửa. Phụ huynh, học sinh thì lo ngay ngáy khi điểm thì cao mà cổng trường đại học vẫn xa vời vợi, bởi những quy định, thủ tục nhiêu khê mà chính do bộ đặt ra.
Chính Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã thừa nhận: Ngành giáo dục đã ba lần cải cách nhưng chưa giải quyết được các yếu kém trong hàng chục năm qua, bởi vẫn chưa đổi mới được phương pháp dạy và học một cách thực thụ. Vị bộ trưởng được coi là tư lệnh ngành giáo dục đã đặt ra câu hỏi: Vì sao yếu kém đã được chỉ ra nhưng nhiều năm qua ngành giáo dục không thể giải quyết được và căn bệnh yếu kém ngày càng trầm trọng hơn. Ông cũng thừa nhận là ngành giáo dục cần phải cần có một cuộc đại phẫu thì may ra…
Nhưng thưa vị bộ trưởng – chính ông và các cộng sự dưới quyền được xã hội giao phó cho sự mệnh cao cả “trồng người” – chính là những bác sĩ của cuộc đại phẫu đó. Dư luận chờ đợi ở Bộ Giáo dục – Đào tạo là những quyết sách đi vào cuộc sống.
Bất chợt tôi nhớ đến phát biểu của ông Dương Công Đá – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn- trước Quốc hội rằng: Ngành giáo dục đang lạc giữa rừng già mà nhìn đâu cũng thấy cây. Vấn đề quan trọng là phải xác định mình lạc từ đâu thì mới tìm được hướng ra, chứ không càng đi thì càng lạc.
Lời thách thức của cậu học trò “khi cháu là bộ trưởng”, hãy xem đó như một đòn bẩy để lãnh đạo Bộ Giáo dục – Đào tạo tìm được đường ra giữa cánh rừng già.
Cậu bé lớp 8 đòi làm Bộ trưởng Giáo dục: Đừng lợi dụng trẻ con!
Một cậu học trò lớp 8, một học sinh của một trường chuyên nổi tiếng Hà Thành có thể thốt ra những lời mạt sát, nặng nề, chua ngoa như vậy hay không? |