Dù cho những thương lái bị siêu lợi nhuận làm cho mờ mắt đã tìm mọi cách “hô biến” thịt lợn sề chết hay thịt trâu chết thành thịt bò, thì cũng không phải là không có cách để phân biệt thịt bò thật – giả.
Quan sát thịt
Thịt bò thật có màu hồng đậm hoặc đỏ au; trong khi đó thịt bò giả dù được tưới huyết bò vẫn nhạt màu hơn, không đều, không tự nhiên.
Bắp bò có gân đặc trưng.
Thớ thịt bò bé và dài, mỡ màu vàng nhạt; thịt lợn có thớ to và ngắn, nhìn không mịn, mỡ màu trắng đục.
Khi mua thịt bò nên chọn cắt ra từ súc thịt lớn, không mua miếng thịt nhỏ vì rất có thể đó là thịt lợn trộn vào.
Độ cứng mềm
Thịt bò thật: Độ dính cao, mềm hơn. Thường dính vào lưỡi dao khi thái. Dùng tay ấn vào sẽ thấy thịt mềm, dẻo có độ đàn hồi tốt.
Thịt bò giả: Thịt bò giả thì độ dính sẽ ít hơn rất nhiều, cảm thấy miếng thịt bở và cứng. Dùng tay ấn vào bạn sẽ cảm nhận được độ cứng.
Mùi vị
Có rất nhiều cách để tạo ra ‘mùi thịt bò cho thịt không phải thịt bò’. Theo như điều tra của các cơ quan chức năng, những kẻ đồ tể lừa đảo sử dụng mỡ bò rán lấy nước mỡ thoa một lượt quanh thịt lợn, trâu chết thì thịt sẽ có mùi bò. Nhưng thịt bò thật có mùi hôi rất đặc trưng của bò. Còn ‘đồ giả’ sẽ không thể có được hương vị như thế, dù đã tưới mỡ bò lên nhưng sau khi vận chuyển nhiều và để phơi ra nhiều giờ dưới thời tiết ẩm như của Việt Nam, thì chắc chắn mùi vị kia sẽ bị bay đi hoặc ‘biến tấu’ đi ít nhiều.
Chế biến
Tất nhiên là chẳng ai mong muốn tới tận khi nấu xong mới phát hiện ra miếng thịt bò mình phải trả cả hàng trăm ngàn mua về đãi cả nhà lại hóa ra là thịt lợn sề chết hay thịt trâu chết. Nhưng, đi một đàng học một sàng khôn, muộn còn hơn không, lần sau bạn sẽ biết bộ mặt thật của kẻ bán hàng giả.
Nếu là thịt bò thật, thì dù sau khi chế biến, thịt vẫn giữ nguyên màu sắc hồng sậm, ngọt đặc trưng. Còn thịt giả sau khi nấu sẽ nhợt nhạt, nếu không may mắn vớ phải thịt làm giả từ con lợn hay trâu đã chết lâu thì thậm chí còn có mùi tanh rất khó chịu.