Hiện nay tình hình bệnh do virus Zika ở Việt Nam đang có những diễn biến phức tạp. Đặc biệt là ở khu vực phía Nam. Riêng tại TP.HCM đã ghi nhận hơn 20 trường hợp nhiễm loại virus này, đáng chú ý trong đó có 4 trường hợp phụ nữ đang mang thai.
Không chỉ có vậy, ở Việt Nam cũng đã ghi nhận một trường hợp trẻ mắc bệnh đầu nhỏ liên quan đến virus Zika, điều này càng làm cho nhiều người hoang mang, đặc biệt là các bà bầu.
Theo báo Eva.vn, PGS.TS Trần Danh Cường – phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay, “Không phải cứ nhiễm virus Zika là bị hội chứng não bé, vì tỷ lệ thai phụ nhiễm virus Zika có thai nhi bị não bé rất thấp, chỉ từ 0,25 đến 10%. Hơn nữa, chỉ những người phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì mới có nguy cơ thai nhi bị chứng não bé, những đối tượng khác không đáng lo ngại”.
Còn trong trường hợp phát hiện thai nhi bị chứng não bé, PGS Cường khuyên tốt nhất nên đình chỉ thai, vì hậu quả của chứng não bé vô cùng tồi tệ về mặt thần kinh và vận động. Hơn nữa, đây là căn bệnh không thể chữa khỏi dù ở trong bào thai hay khi đã được sinh ra.
Ngoài ra, PGS Cường thông tin thêm, hiện nay các nhà khoa học mới chỉ đưa ra được mối liên quan giữa virus Zika và chứng não bé ở trẻ, chứ chưa ai khẳng định đó là nguyên nhân. Trẻ bị não bé còn do nhiều nguyên nhân khác như bị rubella, nhiễm trùng, ngộ độc, tia xạ, dị dạng nhiễm sắc thể…
Về khả năng chẩn đoán dị tật đầu nhỏ của Việt Nam hiện nay, PGS Cường khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể xác định được khi thai nhi có dị tật đầu nhỏ. “Hiện nay, tiêu chí đầu tiên để cấp chứng chỉ hành nghề cho một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sản khoa đó chính là phải biết đo chu vi đầu của thai nhi. Bởi vậy, việc phát hiện thai nhi bị dị tật đầu nhỏ hoàn toàn nằm trong khả năng của hệ thống y tế Việt Nam”, PGS Cường nhấn mạnh.
Để giúp phụ nữ mang thai, nhất là trong giai đoạn mang thai 3 tháng đầu “đối phó” với virus Zika, PGS Trần Danh Cường khuyến cáo những phụ nữ mang thai ở trong vùng có dịch virus Zika tốt nhất là đi khám thai theo định kỳ, từ đó các bác sĩ mới có thể theo dõi chính xác được những thay đổi bất thường.
“Theo tôi đây là điều rất khó đối ở Việt Nam, vì người phụ nữ đi khám thai không bao giờ đúng lịch. Để theo dõi đo chu vi vòng đầu của thai nhi chuẩn nhất, thai phụ cũng phải nhớ ngày chuẩn và đến khám đúng ngày. Chỉ cần đến sớm hoặc muộn hơn 1 ngày mọi thứ đã hoàn toàn khác”, PGS Cường cho hay.
Cuối cùng, PGS Cường nhấn mạnh một lần nữa: “Virus Zika không có gì đáng sợ, không quá nguy hiểm nên không phải hạn chế đi lại, không phải hoãn việc mang thai. Để phòng bệnh thì chỉ có phòng trong cộng đồng bằng cách diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy và giữ gìn vệ sinh nơi cư trú”.
Dấu hiệu của bệnh virus Zika:
Bệnh thường có biểu hiện sốt, nổi mẩn và một số triệu chứng khác như đau cơ, nhức đầu, đau mắt.
Phương thức lây truyền chủ yếu của virus Zika là qua muỗi Aedes (loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết), có một số bằng chứng có thể gợi ý virus có thể lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con khi sinh và qua đường tình dục, tuy nhiên sự ghi nhận là rất hiếm. Thời gian ủ bệnh từ 3-12 ngày.
Hầu hết các trường hợp nhiễm virus Zika có biểu hiện triệu chứng nhẹ và vừa hoặc không có biểu hiện triệu chứng do đó nhiều trường hợp mắc bệnh có thể không phát hiện được; hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều có khả năng hồi phục hoàn toàn và chưa ghi nhận trường hợp tử vong do virus Zika. Tuy nhiên, một số thông tin về dịch tễ học liên quan đến bệnh do virus Zika tại Brazil gần đây đã dấy lên sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới về ảnh hưởng của virus Zika đối với thai nhi.
Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới đang phối hợp với Bộ Y tế Brazil điều tra và đánh giá mối liên quan giữa virus Zika và chứng não nhỏ; tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân có thể liên quan đến chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh như các nhiễm trùng, nhiễm độc tố của bà mẹ trong quá trình mang thai, những lỗi của gen; do đó có thể mất nhiều thời gian để xác định chính thức mối liên quan.
Người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
Phòng tránh muỗi đốt
Theo TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – con đường lây truyền chủ yếu của virus Zika là qua muỗi Aedes. Do đó, cách tốt nhất để phòng tránh nhiễm virus Zika là tránh không bị muỗi đốt.
Muỗi Aedes, loài mang virus Zika, có thể hút máu được 4-5 người trong một bữa ăn, có nghĩa là nó có thể lây lan dịch bệnh nhanh chóng.
Loại muỗi thường sống trong rừng và hút máu các sinh vật máu nóng. Tuy nhiên, gần đây chúng đã phát triển và chuyển sang chỉ hút máu người.
Biện pháp hạn chế muỗi sinh sôi:
– Nếu trong nhà bạn có nhiều thùng nước mưa, hãy xử lý bằng một sản phẩm không độc hại được sản xuất để tiêu diệt ấu trùng muỗi.
– Khoan lỗ trong thùng rác để tránh đọng nước.
– Tháo nước và rửa sạch các bình chứa nước 5 ngày/lần để ngăn chặn trứng muỗi nở.
– Nếu bạn có chậu cây cảnh, vệ sinh và làm khô chậu ít nhất 1 lần/tuần.
– Muỗi Aedes thích hút máu ở khu vực đầu gối, khuỷu tay, do vậy bạn nên mặc quần áo dài và đi tất.
– Sử dụng thuốc chống muỗi, đặc biệt có chứa các thành phần DEET.
– Mặc quần áo sáng màu, do muỗi thường bị thu hút bởi màu tối.
– Tránh dùng các sản phẩm mỹ phẩm có mùi hương.
– Mắc màn khi ngủ.
– Ghi nhớ, muỗi thường dễ cắn vào ban ngày hơn là ban đêm.
Cẩn trọng khi hiến và truyền máu
Theo Reuters, đầu tháng 2, các quan chức y tế Brazil đã xác nhân 2 trường hợp nhiễm bệnh qua đường truyền máu từ người mang virus Zika.
Các chuyên gia khuyến cáo việc hiến máu và truyền máu cần được đảm bảo và xét nghiệm virus cẩn thận.
Tại Mỹ, các ngân hàng máu lớn, bao gồm Hội chữ thập đỏ Mỹ, đã yêu cầu người dân không nên hiến máu nếu họ vừa tới Mexico, vùng Caribbean, Nam hay Trung Mỹ trong vòng 28 ngày.
Sử dụng biện pháp phòng tránh khi quan hệ tình dục
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), virus Zika có thể tồn tại trong tinh dịch của nam giới 10 tuần sau khi bệnh khởi phát. Một số người nhiễm bệnh nhưng lại không có biểu hiện sẽ truyền virus cho các đối tác tình dục.
Vì vậy, những người đàn ông sống hoặc du lịch tới khu vực bị ảnh hưởng bởi virus Zika nên tránh sinh hoạt tình dục, hoặc sử dụng các biện pháp phòng tránh như bao cao su, đặc biệt với phụ nữ mang thai để bảo vệ thai nhi.
Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.