Như chúng tôi đã đưa tin, vụ án mạng xảy ra vào 7h ngày 18/8. Đối tượng Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đã dùng súng K59 bắn trọng thương ông Phạm Duy Cường, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái và ông Ngô Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái ngay tại phòng làm việc của 2 ông sau đó tự sát.
Do vết thương quá nặng, 2 lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã tử vong vào 13h05′. Nghi phạm Minh tử vong vào khoảng 15h26 cùng ngày.
Theo Cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, Chi cục Kiểm lâm tỉnh được trang bị 105 súng quân dụng bao gồm súng tiểu liên AK và súng K59.
Phát biểu cho ý kiến vào dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho rằng, một số ý kiến đã bày tỏ sự băn khoăn trong việc cấp súng cho lực lượng công an xã và cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao.
“Ở đây, công an xã cũng là một cấp trong hệ thống tổ chức của công an nhân dân và thực tế mình đã cấp súng rồi nên quan điểm của Ủy ban Quốc phòng – An ninh là cấp còn việc quản lý thì khác.
Còn đối với cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, một số quan điểm nói không nên cấp vì đối tượng điều tra là công chức nhà nước, ý thức chấp hành cao hơn, tốt hơn các đối tượng khác ngoài xã hội.
Nhưng qua đánh giá tác động thấy các điều tra viên làm điều tra của Viện kiểm sát, nhất là điều tra về kinh tế thì rất phức tạp, nếu không có gì trong tay sẽ rất khó khăn.
Ở đây, việc cấp số lượng chỉ có 180 người nên đề nghị ủng hộ cấp cho người ta”, tướng Việt nói.
Cũng theo tướng Việt, với phần cứng trong việc cấp súng cho công an, quân đội, kiểm lâm, kiểm ngư, hải quan… đều thực hiện rất chặt chẽ quy trình cấp, quản lý.
Riêng đối với vụ việc lãnh đạo Yên Bái bị bắn, theo tướng Việt, việc đối tượng Đỗ Cường Minh lấy được súng và bắn gây tử vong cho Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Duy Cường cùng Chủ tịch HĐND tỉnh Ngô Ngọc Tuấn là vì “súng cấp để cho đi công tác”.
“Vụ Yên Bái lấy được súng là vì cấp cho đi công tác rồi ông lợi dụng đó để bắn, cái này thì rất khó và chẳng qua đây là lợi dụng Luật chứ không phải Luật sơ hở”, tướng Việt nêu.
Đồng tình với việc cấp súng cho công an xã, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, công an xã là lực lượng quan trọng và đang được trang bị công cụ hỗ trợ như dùi cùi, roi điện….có thể gây sát thương, chết người.
“Quan điểm của chúng tôi, đã là công an thì phải chính quy, còn lực lượng hỗ trợ cùng thì không phải gọi là công an. Nhưng đã giao cho công an xã thẩm quyền nằm khoảng 20 luật, rất quan trọng đối với địa phương thì phải có công cụ cho họ thực hiện.
Tôi đề nghị, cần phải tiếp tục giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho công an xã như hiện hành nhưng phải chính quy hóa lực lượng này.
Chúng tôi cũng biết, khi Bộ trưởng Bộ công an trình vấn đề này, có ý kiến cho rằng, nếu chính quy hóa thì vướng biên chế, nhưng lãnh đạo công an nói sẽ điều chuyển trong lực lượng.
Bây giờ Công an xã đang được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ rồi, nếu bây giờ không trang bị họ có thể bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương ở cấp xã bằng cách nào?”, bà Nga nêu ý kiến.
Còn đối với cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao, theo bà Nga, đây là lực lượng điều tra chuyên trách.
Cơ quan điều tra các loại án là xâm phạm các hoạt động tư pháp do cán bộ cơ quan tư pháp phạm tội đó là cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hánh án, tham nhũng trong hoạt động tư pháp.
“Là cơ quan điều tra thực hiện theo toàn bộ quy định của Luật tố tụng thì cớ làm sao các cơ quan điều tra khác được giao vũ khí, công cụ hỗ trợ còn Cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao lại không được giao.
Một khi đã là tội phạm rồi, tính chất ở mỗi loại tội khác nhau thì khác nhau chút ít nhưng không thể nói rằng, hoạt động điều tra và đối tượng điều tra của lực lượng này chủ yếu là cán bộ, công chức nhà nước nên không cần thiết phải giao vũ khí quân dụng”, bà Nga bày tỏ.