Clip đã ghi lại cảnh giáo viên liên tiếp ép, đổ sữa vào miệng cháu bé khi cháu uống sữa chậm. Thậm chí, khi sữa bị dính ở xung quanh miệng, cô giáo còn tỏ rõ sự tức giận bằng cách cầm chiếc khăn lau mạnh vào mồm cháu bé.
Sau chuỗi cảm xúc phẫn nộ, rất nhiều phụ huynh có con lứa tuổi mầm non lấy làm hoang mang về môi trường giáo dục mà con mình đang “thụ hưởng”. Chị Thu Hương (Q.3, TPHCM) có con gái 4 tuổi đang học mẫu giáo lo lắng: “Tôi vừa nghĩ vừa lo, nếu như con mình bị cô giáo đối xử tàn nhẫn đến vậy thì sẽ thế nào. Bởi vậy, mấy ngày nay đi trên đường toàn nghĩ mình sẽ mua quà gì tặng cô để cô thương con mình hơn“.
Còn chị Như Quỳnh (Q.2) biết thông tin trên nhưng không dám xem, vì chị không thể chịu nổi những cảnh như thế. Bản thân chị, ngày đầu con đi học vô cùng lo nên mỗi lần đón về đều hỏi thăm và dò thái độ con xem có gì bất thường không.
Tại công sở, chị Quỳnh nghe được cô bạn đồng nghiệp kể về những “chiêu” bạo hành trẻ tại một số nơi cơ sở mà rùng cả mình. Chị kể: “Có cô giáo dùng kim để “trị” trẻ. Nếu bé chậm ăn là ngay lập tức bị chích vào gót chân; hay việc nhốt trẻ trong toilet khi và tắt đèn khi trẻ quậy phá, không chịu nghe lời”.
Trường học con chị Quỳnh có gắn camera. Vì vậy, chị cũng thường theo dõi từng cử chi của con qua camera. Nếu không thấy con là chỉ lập tức đột xuất qua trường xem tình hình con thế nào. “Tôi lo lắm, bởi nếu cô giáo muốn “xử” bé thì chẳng cách nào mà tránh được, dù có camera hay không”.
Những vụ việc đau lòng này khiến nhiều bậc cha mẹ có con tuổi mầm non vừa xót xa vừa lo sợ. Chị Lê Thùy Linh (Q.5) cho biết: “Mỗi lần đọc những câu chuyện bạo hành trẻ nhỏ, người có con nhỏ như tôi lạnh cả người vì thương xót những cháu bé còn non nớt và lo sợ cho chính con mình. Vụ gần đây, bé bị cô giáo tống sữa vào miệng, nhìn hình ảnh tôi đã thấy quặn lòng”.
Anh Nguyễn Quốc Cường (Q.7) chia sẻ rằng: “Tôi thực sự thấy bất an khi những hình ảnh cô giáo mầm non hành xử dã man với học trò được phơi bày. Bao nhiêu lần cơ quan quản lý nói tăng cường kiểm tra chặt chẽ nhưng rồi đâu vẫn đóng đấy. Chỉ có những đứa trẻ là phải gánh rủi ro và cha mẹ thì nhói lòng thương con, cho con đi học mà không thể yên tâm”.
Theo anh Cường, đây dường như là hệ quả của việc kiểm soát lỏng lẻo của cơ quan quản lý đối với hoạt động nhà trường. Anh bức xúc: “Giờ tuyển bảo mẫu quá dễ chăng? Tôi thấy không ít người trở thành giáo viên mầm non chỉ sau vài tháng bồi dưỡng nghiệp vụ. Họ đã xem nhẹ giáo dục mầm non nên mới để những người không yêu trẻ, không qua trường lớp đào tạo chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng sư phạm giữ trẻ chứ không phải giáo dục trẻ. Giáo viên chất lượng đầu vào kém nên xảy ra những điều đó như là chuyện đương nhiên”.
Vẫn biết những câu chuyện trên chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng không ít phụ huynh cho rằng đó chỉ là những vụ việc được phát hiện. Làm sao cha mẹ có thể yên tâm khi rất có thể một ngày kia chính con họ cũng chịu cảnh tượng đau lòng ở ngay trường học, nơi vốn được xem là an toàn với con trẻ, nơi cô giáo vốn được coi như “mẹ hiền”.