1. Tìm ra “siêu kháng sinh” có thể chữa hầu hết các bệnh nhiễm trùng
Những ngày đầu năm 2016, một số nhà khoa học Đức, Mỹ và Anh công bố công trình nghiên cứu, qua đó phát hiện kháng sinh Teixobactin có khả năng chữa trị hiệu quả nhiều bệnh, bao gồm cả tụ cầu vàng kháng Methicillin và lao kháng thuốc – những căn bệnh mà trước đó y học “bó tay”. Teixobactin được đánh giá là đặc biệt linh hoạt và hiệu quả trong việc chống lại các vi khuẩn dạ dày và các vi trùng gây hại cho tim vốn vô cùng nguy hiểm. Loại thuốc này không gây tác dụng phụ – đó cũng là một điểm đặc biệt so với hầu hết các loại kháng sinh khác.
Hiện các nhà khoa học đang khẩn trương chuẩn bị sản xuất thương mại và dự kiến sẽ đưa ra thị trường vào năm 2019 dưới dạng thuốc tiêm.
2. Bộ phận cơ thể nhân tạo có thể điều khiển được bằng suy nghĩ
Cũng vào đầu ăm, nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Y Vienna (Áo) và Trung tâm Y tế Göttingen (Đức) đã lần đầu tiên giới thiệu những cánh tay giả có thể điều khiển bằng ý nghĩ theo công nghệ tái cấu trúc điện tử. Phần tay giả được kết nối với hệ thần kinh và cơ bắp giúp bệnh nhân có thể dùng ý nghĩ của mình để điều khiển mọi hành động. Tuy nhiên, thời gian đầu thì các cử động của cánh tay giả này mới chỉ thực hiện được một số động tác khá đơn giản như ném quả bóng hay cầm quả trứng. Tuy nhiên, với nguyên lý này, các nhà khoa học hy vọng sẽ tiếp tục phát triển để những cánh tay ra đời sau đó có thể thực hiện được các thao tác phức tạp hơn. Thậm chí, không chỉ là cánh tay, mà còn có thể tiến tới chế tạo những bộ phận khác của cơ thể nhằm hỗ trợ người khuyết tật phục hồi khả năng hoạt động của mình.
Được biết, vào tháng 5, những chân giả điều khiển bằng ý nghĩ cũng đã được chế tạo thành công theo nguyên lý trên, với tác giả là hãng kỹ thuật cơ khí y sinh Össur (Iceland).
3. Chữa ung thư máu bằng ghép gen được chỉnh sửa
Vào tháng 11 vừa qua, các nhà khoa học thuộc Đại học London (UCL) cùng công ty công nghệ sinh học Pháp Cellectis đã phối hợp thực hiện “chỉnh sửa gen” để chữa thành công căn bệnhkhỏi bệnh bạch cầu lympho cấp tính cho cô bé Layla Richards (1 tuổi, người Anh). Các nhà khoa học đã tiêm một ml tế bào gen được chỉnh sửa và hiệu quả được khẳng định 2 tháng sau đó. Phương pháp chỉnh sửa gen này dựa trên nguyên tắc thêm gen mới vào tế bào miễn dịch T, sau đó sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen TALEN để tế bào T trở nên “vô hình” với thuốc trị bệnh bạch cầu, rồi tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư.
Thành công nói trên mở ra hy vọng rất lớn cho việc điều trị các chứng bệnh ung thư – không dừng lại ở ung thư máu mà còn có thể hướng tới chữa trị các loại ung thư khác.
4. Cấy ghép não cho phép bệnh nhân bị ALS giao tiếp bằng ý nghĩ
ALS là chứng xơ cứng cột bên teo cơ, một loại bệnh thoái hóa thần kinh tác động nghiêm trọng, phá hủy tất cả khả năng vận động của cơ thể. Trước đây, tất cả bệnh nhân bị mắc chứng này đều hoàn toàn không có khả năng vận động, giao tiếp và tương tác với những người, sự vật xung quanh. Thế nhưng, các nhà nghiên cứu tại Hà Lan đã phát triển phương pháp cấy ghép trực tiếp một thiết bị và não bộ, qua đó đã giúp một bệnh nhân nữ có thể giao tiếp bằng cách sử dụng suy nghĩ của mình.
Các tác giả của công trình giải thích: 4 điện cực được cấy vào trong sọ để kích hoạt các điện cực. Khi bệnh nhân nghĩ về việc cử động tay phải, điện cực sẽ gửi tín hiệu tới thiết bị truyền dẫn đặt ở ngực trái, và ngược lại. Mặc dù mới chỉ ở bước sơ khai, nhưng công nghệ mới này đã mở ra khả năng cải thiện khả năng giao tiếp, tương tác cho những người bị mất hoàn toàn khả năng vận động.
5. Em bé đầu tiên được sinh ra từ ADN của… 3 người
Một bé trai “đặc biệt” ra đời ngày 6/4 – và sự đặc biệt nằm ở chỗ: cậu bé vẫn có ADN thông thường từ cha và mẹ – một phụ nữ quốc tịch Jordan bị mắc căn bệnh di truyền, và có thêm “một ít” mã di truyền của một người hiến tặng. Thông tin này được giữ kín cho tới hơn 5 tháng sau mới được công bố trên tờ New Scientist, khi các nhà nghiêm cứu do bác sĩ John Zhang đứng đầu chắc chắn cậu bé phát triển hoàn toàn khỏe mạnh.
Kỹ thuật này cho phép các bác sĩ thay thế ADN ty thể của người mẹ vốn đã mang các khiếm khuyết di truyền, do đó có thể ngăn chặn khả năng lây lan một căn bệnh di truyền từ mẹ qua con. Các chuyên gia cho rằng thành tựu mới này báo hiệu một kỷ nguyên mới trong y học và có thể giúp các gia đình khác tránh khỏi những căn bệnh di truyền hiếm gặp.
Cũng trong năm 2016, các chuyên gia cũng đang thực hiện chỉnh sửa AND, bằng cách sử dụng một công cụ gọi là CRISPR-Cas9 để sửa đổi các gen của phôi thai. Mặc dù các phôi thai này hiện chưa được phép tồn tại đủ lâu để đạt được sự trưởng thành đầy đủ, nhưng nó đem lại hy vọng về tương lai có thể ngăn chặn được nhiều hơn các bệnh di truyền nguy hiểm từ cha mẹ sang con cái.