Có 4 kiểu nói chuyện phổ biến trong thế giới kinh doanh:
- Kiểu thứ nhất: Cách nói rời rạc, thiếu mạch lạc, sử dụng từ ngữ khó hiểu và hầu hết đều đề cập tới những vấn đề họ cảm thấy thú vị.
- Kiểu thứ hai: Sử dụng lời nói để nêu ra sự kiện và quan điểm, có tính mạch lạc nhưng hiếm khi đọng lại trong lòng người nghe.
- Kiểu thứ 3: Ăn nói lưu loát, ngắn gọn, rõ ràng nhưng câu từ ít có tính thuyết phục.
- Kiểu thứ 4: Nói chuyện hùng hồn, sử dụng cách giao tiếp bằng miệng đi kèm ngôn ngữ cơ thể để chinh phục trái tim và tâm trí người nghe.
Những người thuộc kiểu thứ 4 khi nói chuyện thường khiến người khác cảm thấy rất thông minh, cho dù thực tế chỉ số IQ của họ không hoàn toàn được như vậy. Và điều ngược lại cũng hoàn toàn đúng – những người IQ cao mà không biết cách giao tiếp thông minh thì rõ ràng, trí thông minh của họ cũng có những hạn chế nhất định.
1. Đứng hoặc ngồi thẳng lưng trong tư thế thư giãn
Nghệ thuật ăn nói không đơn thuần chỉ là cách sử dụng lời nói mà nó còn là ngôn ngữ cơ thể (Body language) và tư thế lưng chính là yếu tố quan trọng góp phần giúp bạn thành công khi sử dụng các cử chỉ để truyền đạt thông điệp cho người nghe.
Ngồi sụp xuống khiến bạn mất tự tin vào lời nói và chính mình. Trong khi đó, tư thế lưng thẳng nhưng quá trịnh trọng sẽ khiến người khác có cảm giác bạn đang muốn chuẩn bị tinh thần để làm một điều gì đó (tốt hoặc không tốt). Do vậy, cách tốt nhất là hãy đứng hoặc ngồi thẳng lưng trong trạng thái thư giãn để lời nói và cử chỉ trở nên thân thiện hơn nhé.
2. Tư thế đầu hợp lý
Vị trí đầu của bạn cũng quan trọng như giữ lưng thẳng vậy. Nếu ngẩng đầu quá cao sẽ thể hiện bạn có chút kiêu hãnh và quả quyết, nhưng nếu cúi xuống nghĩa là bạn đang hạ thấp mình. Do vậy, hãy cố gắng giữ đầu ở mức vừa phải, hai mắt nhìn về phía trước, cổ thư giãn và không quá căng thẳng vì nó sẽ khiến bạn không thể phát âm từ ngữ rõ ràng.
3. Tập trung vào người nghe
Một người ăn nói có duyên nghĩa là khi nói luôn có người nghe. Ngược lại, nếu bạn nghĩ về một thứ gì khác mà không tập trung vào những gì mình đang nói hay đảo mắt xung quanh thì chắc chắn chẳng ai muốn nghe bạn. Điều này không khác gì bạn đang đọc diễn văn cả.
Do vậy, hãy lưu ý hai trường hợp đặc biệt: Tránh liếc nhìn xung quanh mà không tập trung vào người đối diện vì nó sẽ khiến bạn có vẻ thiếu chân thành và nếu buộc phải nhìn vào tài liệu đã chuẩn bị, hãy sử dụng mắt để nhìn xuống chứ không cúi đầu.
4. Không nói quá to
Nếu đang phải thuyết trình trước rất nhiều người trong một căn phòng, hãy cố gắng nói ở mức âm lượng sao cho những người xa nhất có thể nghe thấy và người gần không cảm thấy khó chịu.
5. Uyển chuyển với cử chỉ tay
Sử dụng tay của bạn để nhấn mạnh vào những điểm quan trọng. Cách dễ nhất để học kỹ năng này là xem các diễn giả và người nổi tiếng sử dụng cử chỉ khi họ nói. Ngoài ra, việc sờ kính, gãi mình hay đung đua tờ giấy cũng sẽ khiến người nghe bị phân tán và không tập trung nghe những gì bạn nói.
6. Linh hoạt khi đổi tư thế
Tăng sức mạnh cho lời nói bằng cách di chuyển cơ thể một cách phù hợp. Chẳng hạn, nếu bạn đang đứng trên sân khấu để diễn thuyết trước nhiều người, hãy cố gắng thay đổi vị trí khi muốn giới thiệu một ý tưởng mới.
Tương tự, khi ngồi trong một cuộc họp, nếu bạn muốn nhấn mạnh một ý nào đó có thể hơi cúi người một chút về phía trước. Đồng thời, điều chỉnh lại vị trí ngồi khi bạn chuyển từ chủ đề hoặc thuật ngữ này sang chủ đề hoặc thuật ngữ khác.
7. Sử dụng từ ngữ sinh động và phổ biến
Muốn trở thành một người giao tiếp giỏi, bạn buộc phải loại bỏ cách sử dụng các từ ngữ sáo rỗng, thay vào đó là lời nói khiến người nghe có thể hình dung ra điều bạn muốn truyền đạt. Nếu buộc phải đề cập đến một thuật ngữ mới, hãy cố gắng giải thích một cách rõ ràng, chi tiết.
8. Nói với tốc độ khác nhau
Việc duy trì một tốc độ nói khiến câu chuyện của bạn thiếu sự cuốn hút, đơn điệu và chẳng ai muốn nghe tiếp cả. Thay vào đó, hãy cố gắng điều chỉnh giữa tốc độ nói chậm và nhanh tùy thuộc vào mức độ quan trọng của điều bạn muốn truyền đạt.
Nếu tóm tắt vấn đề hoặc giới thiệu bối cảnh, hãy cố gắng nói nhanh hơn so với khi bạn nhắc tới các thông tin mới. Ngoài ra, khi mô tả một thuật ngữ quan trọng, hãy nói chậm lại để người nghe có thể hấp thụ.
9. Sử dụng các “điểm dừng” để nhấn mạnh
Im lặng không hoàn toàn là vàng. Im lặng cũng là một bí quyết giúp bạn trở thành người ăn nói khôn ngoan hơn. Chẳng hạn, một chút dừng lại khi bạn chuẩn bị nói điều quan trọng sẽ tạo sự hồi hộp cho đối phương. Điều này khiến họ như nuốt từng lời từng chữ của bạn vậy.
Tương tự, việc dừng lại khoảng vài giây sau khi nói thứ gì đó quan trọng sẽ giúp bạn nhấn mạnh điều đó, đồng thời cho người nghe thời gian để hồi tưởng lại chúng. Bí quyết này đã từng được nhà hoạt động nhân quyền vĩ đại của nước Mỹ Martin Luther King vận dụng rất hoàn hảo trong bài diễn văn “I have Dream” mà ông đã đọc vào năm 1963 với mong muốn người da đen và người da trắng được đối xử bình đẳng, chung sống hoà thuận.