Ô nhiễm không khí trong nhà có thể gây ra nhiều vấn đề như kích ứng mắt, mũi, cổ họng, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi hay các bệnh về đường hô hấp, tim mạch và ung thư.
Ô nhiễm không khí và độc tố môi trường có thể tàn phá sức khỏe, gây ra nhiều bệnh tật. Những người dễ bị tổn thương hoặc có vấn đề hô hấp hay bệnh tim từ trước được khuyến cáo nên thận trọng và ở trong nhà. Tuy nhiên, môi trường trong nhà chưa thật sự tốt nếu bạn không chú ý những nguồn phát tán gây ô nhiễm.
Nguy cơ tiềm ẩn ngay trong nhà
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí trong nhà là nguyên nhân gây ra khoảng 3,2 triệu ca tử vong mỗi năm vào năm 2020, trong đó có hơn 237.000 ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Ngoài ra, theo Cục Bảo vệ Môi sinh Mỹ (EPA), ô nhiễm không khí trong nhà có thể gây ra nhiều vấn đề bao gồm:
- Kích ứng mắt, mũi và cổ họng.
- Đau đầu, chóng mặt và mệt mỏi.
- Các bệnh về đường hô hấp, tim mạch và ung thư.
Mối liên hệ giữa một số chất gây ô nhiễm không khí trong nhà phổ biến (ví dụ radon, ô nhiễm hạt, carbon monoxide, vi khuẩn Legionella) và ảnh hưởng sức khỏe đã được xác định rất rõ ràng, bao gồm:
- Radon là chất gây ung thư ở người và là nguyên nhân đứng hàng thứ 2 gây ung thư phổi.
- Carbon monoxide là chất độc và việc tiếp xúc ngắn hạn với nồng độ carbon monoxide tăng cao ở môi trường trong nhà có thể gây tử vong.
- Đợt bệnh Legionnaires, một dạng viêm phổi do tiếp xúc với vi khuẩn Legionella, có liên quan các tòa nhà có hệ thống điều hòa không khí hoặc sưởi ấm được bảo trì kém, hay bồn tắm nước nóng, đài phun nước và hệ thống ống nước của tòa nhà, vòi nước, ống xả, đầu vòi hoa sen.
- Vô số chất gây ô nhiễm không khí trong nhà – mạt bụi, nấm mốc, lông thú cưng, khói thuốc lá trong môi trường, chất gây dị ứng, chất dạng hạt và các chất khác – là “tác nhân gây hen suyễn”, nghĩa là một số bệnh nhân hen có thể bị lên cơn hen sau khi tiếp xúc.
Mặc dù những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe được cho là do một số chất gây ô nhiễm cụ thể gây ra, các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu về một số vấn đề liên quan chất lượng không khí trong nhà.
Một ví dụ là “hội chứng bệnh tật liên quan tòa nhà” xảy ra khi những người sống trong tòa nhà gặp phải các triệu chứng tương tự sau khi bước vào một tòa nhà cụ thể. Các triệu chứng giảm dần hoặc biến mất sau khi họ rời khỏi tòa nhà.
hững triệu chứng này ngày càng được cho là do nhiều thuộc tính không khí trong nhà của tòa nhà đó.
Nguyên tắc giảm ô nhiễm không khí trong nhà
Chia sẻ với Hindustan Times, tiến sĩ Samir Garde, Trưởng khoa Phổi và Ghép phổi, Bệnh viện Toàn cầu Parel ở Ấn Độ, gợi ý các biện pháp cải thiện chất lượng không khí trong nhà của bạn.
– Đảm bảo nhà không có khói thuốc
Hút thuốc ở nhà có vẻ bất tiện, thậm chí nó có thể ảnh hưởng đến không khí trong nhà. Nếu trong nhà có người hút thuốc, điều quan trọng là bạn cần đảm bảo thông gió thích hợp ở nhà bằng cách mở cửa sổ, lọc gió…
– Cây trồng trong nhà
Cây trồng trong nhà cũng có tác dụng thanh lọc tự nhiên, đồng thời tăng thêm thẩm mỹ cho môi trường nhà bạn. Có nhiều loại cây giúp loại bỏ các chất độc (như benzen, formaldehyde) bao gồm: lan chi, lan ý, nha đam, dương xỉ Boston…
– Chăm sóc, bảo trì thiết bị
Đừng quên các công việc bảo trì thường xuyên như thay thế bộ lọc cũ trên máy điều hòa không khí và hệ thống sưởi ấm. Điều này giúp loại bỏ các chất ô nhiễm hiệu quả. Các hệ thống được bảo trì kém có thể tản ra lượng lớn bụi và bào tử nấm mốc trong không gian thở của chúng ta.
– Hút bụi thường xuyên
Làm điều này nếu gia đình bạn có vật nuôi ở nhà. Chổi quét chỉ có thể dẫn đến nhiều bụi hơn. Hút bụi thường xuyên có thể giúp loại bỏ bụi, chất gây dị ứng và lông thú cưng trên thảm và bề mặt, từ đó có thể giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà.
– Tránh sử dụng thảm
Các loại thảm có thể tích tụ chất ô nhiễm như mạt bụi, lông thú cưng, nấm mốc và nhiều chất bẩn khác. Thay vào đó, tốt hơn là nên sử dụng sàn có bề mặt cứng.
– Sử dụng máy lọc không khí
Sử dụng máy lọc không khí tại nhà để duy trì chất lượng không khí tốt, giúp bạn thở thoải mái, dễ dàng hơn. Nó sẽ xử lý các chất ô nhiễm trong nhà như bụi, chất gây dị ứng và cải thiện chất lượng không khí, giảm nguy cơ mắc các vấn đề về hô hấp và dị ứng.
Theo Mai Phương (znews) – Ảnh: T.H