Tục mua muối đầu năm
Tục mua muối được người xưa nhắc nhớ trong câu tục ngữ: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Theo quan niệm của người xưa, muối là thứ mặn, chống xú uế, và có thể xua đuổi tà ma, và đem lại nhiều may mắn trong gia đình.
Tục mua muối đầu năm còn có ý nghĩa cầu mong sự đậm đà trong tình cảm gia đình, sự hòa thuận, gắn bó keo sơn giữa vợ chồng, con cái. Hơn thế nữa còn là sự mặn mà, tình thân thiết quanh năm trong các quan hệ ứng xử, quan hệ làm ăn. Người ta thường mua muối vào sáng mùng 1 Tết. Tuy nhiên, khi mua nên chú ý mua một bát đầy có ngọn và trả tiền tương ứng một hai cân để cầu may.
Chúc Tết, trao lì xì
Vào ngày mồng một, người Việt Nam có phong tục đi chúc Tết họ hàng, bạn bè và những người thân quen của mình.
Bên cạnh đó, ngày Tết, người Việt Nam có phong tục lì xì cho trẻ em. Lì xì là những phong bao màu đỏ có chứa tiền mới, gọi là tiền may mắn. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn có sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày Tết. Phong bao mừng tuổi còn tượng trưng cho tài lộc, nhiều người nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc…
Ăn món ăn may mắn
Bánh chưng là món ăn không thể thiếu đối với gia đình người Việt ngày Tết, bởi đó không chỉ là món ăn truyền thống mà còn mang lại may mắn trong đầu năm mới. Ngoài ra còn có những món ăn khác trong ngày Tết mang lại điều tốt đẹp như nho, cá, ngũ quả, đậu đen.
Tục mua lửa ngày mùng 1
Tục mua lửa, là bật lửa hay diêm cũng được nhiều người chú trọng. Theo quan niệm của người xưa, mua lửa là mang may mắn, mang lộc đầu năm về nhà. Vì thế nếu đầu năm ai mua được lửa thì người đó hy vọng vào một năm mới nhiều điềm lành, nhiều may mắn và nhiều tài, lộc.
Viết 3 điều ước
Người ta tin rằng 75% những gì mình viết ra sẽ trở thành sự thật, vậy nên hãy viết 3 điều ước trong năm mới rồi gắn lên cây để chúng có thể đu đưa theo gió.
Đi chùa cầu may và hái lộc
Đầu năm lên chùa cầu may đã trở thành một thói quen và nét đẹp văn hóa của phần lớn người dân nước ta. Vào chùa, mọi người đều kính cẩn cúi đầu trước tượng phật uy nghiêm mà hành lễ, xin đức phật từ bi hỉ xả phù hộ cho gia đình, cho bạn bè, cho toàn bộ người thân yêu bên mình một năm đủ đầy hạnh phúc và gặp nhiều may mắn.
Sau khi lễ Phật, người Việt Nam còn có tục bẻ lấy một “cành lộc” mang về nhà để lấy may, lấy phước. Đó là tục “hái lộc”. Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành xi, cây xương rồng… là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc này thường đem về cắm ở bàn thờ Tổ tiên.
Tục xin chữ đầu năm mới
Tết đến xuân về là điểm khởi đầu cho một năm mới với nhiều mong ước, khát vọng mới tốt đẹp. Vào dịp đầu xuân năm mới, người Việt Nam thường có phong tục đi lễ chùa và xin chữ đầu năm. Phong tục này đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt Nam.
Xin chữ đầu năm là nét văn hóa thể hiện sự trọng chữ nghĩa, tri thức và cũng là mong muốn xin cho được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ.
Mặc đồ mới
Quần áo mới tượng trưng cho những điều mới mẻ, thể hiện ước muốn rằng nhiều bước phát triển mới sẽ đến với bạn trong năm mới. Bạn có thể mặc đồ đỏ, hoặc vàng cho thêm hên.
Xuất hành lấy may
Đầu năm mới, người Việt Nam còn có tục xuất hành. Xuất hành là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để đi tìm cái may mắn cho mình và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần…
Thường thường, người ta theo các hướng tốt, xuất hành đi lễ chùa, đền hoặc đi chúc Tết các bậc phụ huynh trưởng, thân quyến hay bằng hữu.
*Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo