Các nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Australia (ANU) cho rằng nếu người lao động muốn có một cuộc sống lành mạnh, thì thời gian làm việc phải dưới 39 giờ một tuần thay vì giới hạn 48 giờ đang được duy trì suốt 80 năm qua.
Để đưa ra được kết luận trên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích dữ liệu thu thập từ 8.000 người Australia bao gồm cả nam lẫn nữ trong độ tuổi từ 24-64. Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy thời gian làm việc quá dài có khả năng “bào mòn” sức khỏe thể chất và tinh thần của mỗi người.
“Giờ làm việc quá dài có thể bào mòn tinh thần lẫn thể chất của mỗi người, vì nó khiến họ ít có thời gian để ăn uống lành mạnh và chăm sóc bản thân đúng cách,” tiến sĩ Hương Đình, trưởng nhóm nghiên cứu đến từ Trường Nghiên cứu Sức khỏe dân số thuộc Đại học Quốc gia Australia.
Theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Social Science & Medicine, tiến sĩ Hương Đình cho rằng thời gian làm việc tối đa với phụ nữ là khoảng 34 giờ một tuần. Đối với nam giới, có thể lên đến 47 giờ một tuần bởi vì họ thường dành ít thời gian cho công việc nội trợ hơn phụ nữ.
“Mặc dù phụ nữ trung bình có tay nghề cao như nam giới, nhưng họ vẫn bị trả lương thấp hơn và ít tự chủ hơn nam giới. Không những vậy, họ còn phải dành thời gian nhiều hơn nữa trong việc nội trợ và chăm sóc gia đình. Với những yêu cầu phụ nữ làm thêm giờ như mong muốn của người sử dụng lao động, đây là việc gần như không thể, trừ khi tổ chức hoặc cơ quan này thảo hiệp sức khỏe rõ ràng với nữ giới,” tiến sĩ Đình cho hay.
Cuộc tranh cãi về thời gian làm việc tiêu chuẩn bắt đầu dậy sóng sau vụ việc một người phụ nữ 24 tuổi người Nhật tự tử vì làm việc đến 105 giờ làm thêm mỗi tháng. Những năm gần đây, số lượng người lao động qua đời do làm việc quá sức hoặc tự sát ngày càng gia tăng với tốc độ chóng mặt, đặc biệt là tại Nhật.
Theo khảo sát, gần 21,3% người lao động Nhật làm việc trung bình 49 tiếng hoặc hơn mỗi tuần. Trong đó, cứ 5 người thì sẽ có 1 người chết vì làm việc quá sức.