Có thâm niên 12 năm làm nghề lái xe buýt, anh Đỗ Viết Nam (SN 1977, tài xế xe buýt số 86, Xí nghiệp xe buýt Yên Viên, Tổng công ty vận tải Hà Nội) tâm sự: “Nhiều người thường có định kiến về nghề của chúng tôi nhưng ít ai hiểu đằng sau tay lái là những nỗi nhọc nhằn, gian nan đè nặng lên các tài xế và phụ xe”.
Anh Nam chia sẻ, các nhân viên xe buýt thường phải đi sớm về khuya, ít có thời gian dành cho gia đình. Chưa kể, mỗi ngày phải gặp gỡ, chiều lòng nhiều đối tượng khách hàng. Chỉ cần sơ sẩy, để khách phật ý, họ khiếu nại về công ty, nếu không giải trình được lái xe sẽ bị phạt, trừ lương…
“Nếu ai không tâm huyết, kiên nhẫn chắc sẽ không theo nổi nghề này. Chúng tôi luôn nhắc nhau đã bước chân lên xe, phía trước là tay lái, phía sau là khách hàng. Việc điều phối trên xe nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách phải đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, một bộ phận khách hành thường bất hợp tác, gây gổ, không tuân theo sự điều hành của nhân viên xe buýt. Có những việc chỉ đơn giản là nhắc nhở khách nhường ghế nhưng phụ xe lại lãnh đủ…” – anh Nam chua chát nói.
Câu chuyện phụ xe tuyến buýt Long Biên – Cầu Đuống bị 4 người đàn ông xăm trổ đánh cách đây vài năm khiến anh ám ảnh mãi.
Anh kể: “Lần đó, khi xe dừng ở bến đón khách. Một bác tầm 50 tuổi, chân bó bột, tay chống nạng khó nhọc bước lên xe. Anh phụ xe thấy vậy chạy ra đỡ khách lên.
Do vào giờ cao điểm nên xe chật kín khách, anh phụ xe đảo mắt nhìn, rồi nhắc một chị phụ nữ đứng dậy nhường ghế cho người đàn ông này. Người phụ nữ có vẻ ngoài sắc sảo dửng dưng, không đáp lời”.
Theo đó, anh phụ xe nhẹ nhàng phân tích quy định nhường ghế cho các đối tượng ưu tiên và bảo người phụ nữ nhường ghế trước cho bác chống nạng kia rồi sẽ bố trí ghế khác cho chị ta.
Người phụ nữ này bị anh phụ xe nhắc mấy lần, lớn tiếng quát tháo, nói mình cũng đang đau chân nên không nhường ghế.
Hành khách đi xe thấy thái độ của người phụ nữ vô lý nên tham gia nói vài câu, người phụ nữ thấy bị mọi người chỉ trích thì tức tối đứng dậy.
Chẳng ngờ, người phụ nữ bí mật nhắn tin cho người nhà, chờ sẵn ở điểm gần một ngân hàng tại Bắc Ninh (bến đón trả khách của xe buýt) để đánh nhân viên phụ xe.
Khi xe vừa mở cửa, 4 người đàn ông xăm trổ, khuôn mặt hung dữ nhảy lên xe, cứ thế nhằm đầu phụ xe buýt đánh tới tấp đến chảy máu. Được mọi người can ngăn, đẩy 4 người đàn ông kia xuống, anh Nam vội đóng chặt cửa xe, gọi về cho phòng điều hành nhờ hỗ trợ.
Sau đó, nhờ sự can thiệp kịp thời của công an tỉnh Bắc Ninh nên sự việc được giải quyết ổn thỏa.
Anh nói: “Nhân viên xe buýt luôn mong nhận được sự cảm thông chia sẻ và phối hợp tốt từ phía khách hàng để lộ trình di chuyển được an toàn, đảm bảo môi trường xe buýt văn minh, lành mạnh. Nhưng nhiều khi chính cách ứng xử của khách hàng khiến lái xe bị ức chế”.
Tài xế sinh năm 1977 cho biết, anh từng bị hành khách chửi bới, mạt sát ngay trên xe buýt. Lần đó, vào giờ tan tầm, trời mưa tầm tã, một vị khách đứng gần đầu xe, che cả gương chiếu hậu khiến anh không quan sát được đường.
Anh đề nghị vị khách này đứng ra phía sau vì xe còn khá rộng. Thế nhưng vị khách này không nghe còn quay ra gây gổ, dọa nạt anh Nam bằng những từ ngữ thô tục.
Trước thái độ của vị khách này, anh Nam đành dừng xe lại giải quyết. Bằng thái độ nhẹ nhàng nhưng cương quyết anh Nam phân tích cho họ hiểu, nếu không chấp nhận sự điều phối của nhà xe, anh sẵn sàng mời khách xuống.
Tuy nhiên, theo tài xế Nam, những khách hàng như vậy không nhiều, phần lớn các hành khách khi đi xe buýt thường rất có ý thức văn minh khi di chuyển bằng phương tiện công cộng này.
Tài xế Nam cho biết thêm, ngoài các sự cố trên, mỗi ngày anh và các phụ xe thường xuyên phải giải quyết các trường hợp khách đông, đu bám cả vào cửa xe, gây mất an toàn khi tham gia giao thông…
Qua nhiều năm gắn bó với công việc lái xe buýt, anh Nam tự đúc kết ra kinh nghiệm, để xử lý các tình huống trong quá trình làm việc, bản thân mình phải bình tĩnh, nhẫn nại.
Anh nói: “Tôi nghĩ để văn hóa xe buýt được nâng cao, xe buýt trở nên thân thiện, gần gũi với người dân hơn thì rất cần có cả sự góp sức xây dựng từ hai phía, phía xe buýt và người dân”.