Một trong những kỷ niệm đẹp nhất thời thơ ấu của Sonny Nguyễn, đồng sở hữu chuỗi cửa hàng đồ uống 7 Leaves Café, là được cha mẹ dẫn đi ăn nhà hàng ở khu Little Sài Gòn thuộc quận Cam. “Mỗi tháng, cả nhà ra ngoài ăn một lần và lần nào cũng đi ăn phở”, Sonny (38 tuổi) kể với tờ The LA Times. “Đó là niềm vui lớn, một trải nghiệm xa xỉ đối với tôi khi còn nhỏ”, anh hồi tưởng.
Lúc đó, Little Sài Gòn chỉ có “lèo tèo” vài nhà hàng kiểu gia đình chuyên bán món ăn đậm chất Việt Nam và chỉ nhắm đến đối tượng thực khách là người Việt mới sang Mỹ, lúc nào cũng nhớ về hương vị quê nhà. Sau nhiều thập niên, khu này đã thật sự thay da đổi thịt với những nhà hàng và quán cà phê san sát, chuyên phục vụ phong cách ẩm thực đa văn hóa (fusion) nổi tiếng khắp nam California. Fusion đang là trường phái thời thượng, dung hòa các loại hình ẩm thực đặc trưng của các quốc gia, khu vực khác nhau nhưng vẫn giữ được những đặc trưng riêng. Khách hàng có thể tìm thấy ở Little Sài Gòn bánh churro Tây Ban Nha, bánh rán kiểu Mỹ nhân kem hay bánh taco truyền thống của Mexico nhưng với hương vị đặc trưng châu Á.
“Mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi”, Sonny nhận xét với The LA Times. Bản thân anh cũng góp phần vào sự chuyển mình của Little Sài Gòn. Quán 7 Leaves Café nổi tiếng với trà sữa đậu xanh hay cà phê sữa đá kiểu Việt nhưng được biến tấu gần giống cà phê đá xay Frappuccino. “Những gì bạn đang thấy là thành quả của thế hệ người Việt thứ hai, thậm chí thứ ba. Họ chắt lọc hương vị đặc trưng của nhiều nền ẩm thực, nhất là Việt Nam, rồi khiến cho chúng càng trở nên tuyệt vời hơn”, Sonny nói. Theo bà Linda Trinh Vo, giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc châu Á tại ĐH UC Irvine, Little Sài Gòn giờ không còn là nơi co cụm của những người Việt không rành tiếng Anh chân ướt chân ráo đến Mỹ nữa. “Nơi đây đang trở thành điểm thu hút thực khách, doanh nghiệp, thế hệ những người Việt trẻ và cả những người không phải gốc Việt. Little Sài Gòn đã nổi tiếng như là địa điểm của những sáng tạo ẩm thực”, bà nhận định. Quá trình này bắt đầu từ khi thế hệ người Việt tham gia kinh doanh ẩm thực ở Little Sài Gòn. Họ lớn lên trong môi trường đa văn hóa nên được trải nghiệm sự đa dạng ẩm thực và mở rộng vị giác lẫn tầm nhìn, đồng thời biết tận dụng sự lan tỏa của mạng xã hội để quảng bá.
Hop Pham, đồng sáng lập nhà hàng Dos Chinos, cho hay anh đưa ra thực đơn pha trộn ẩm thực Việt Nam và Mexico dựa trên ký ức thời thơ ấu sống gần những người bạn gốc Mexico ở vùng Santa Ana. “Đám bạn cho tôi thử món xương rồng, tôi nghĩ trong bụng “Làm sao mà ăn được cái thứ đầy gai này?” nhưng hóa ra nó cực ngon”, anh Hop nhớ lại với The LA Times. Tại Dos Chinos, thực khách có thể thưởng thức bánh taco Mexico nhưng nhân bên trong được chế biến theo kiểu Việt.
Theo Tam Nguyen, cựu Chủ tịch Phòng Thương mại người Mỹ gốc Việt ở quận Cam, những Việt kiều trẻ đầy nhiệt huyết sẵn sàng từ bỏ công việc lương cao để về Little Sài Gòn mở nhà hàng. Ngoài lý do giá thuê mặt bằng rẻ và cơ hội thành công cao, một điều thôi thúc họ là ý thức trách nhiệm với cộng đồng. “Chúng tôi không muốn Little Sài Gòn bị thế hệ sau lãng quên. Nơi đây phải tiếp tục là điểm thu hút các hoạt động văn hóa, ẩm thực cho thế hệ người Việt kế tiếp”, Tam Nguyen nói. Bên cạnh đó, sự đa dạng và chất lượng ẩm thực tại Little Sài Gòn khiến đối tượng thực khách ngày càng đa dạng hơn, không chỉ có người gốc châu Á mà cả người da đen, người gốc Mỹ Latin… và nhiều món ăn Việt trở nên phổ biến hơn. “Little Sài Gòn đã thay đổi khẩu vị của quận Cam. Lúc trước, nhiều người còn không biết “bánh mì” nghĩa là gì?”, Giáo sư Linda Trinh Vo nhận xét.