Mới đây, các nhà khoa học đã buộc phải đưa ra lời cảnh báo không mấy vui vẻ, rằng bản đồ ẩm thực của nhân loại có nguy cơ mất đi vĩnh viễn một món ăn cực kỳ quen thuộc. Đó là chocolate.
Cụ thể, các chuyên gia cho rằng chocolate hoàn toàn có khả năng “tuyệt chủng” vào năm 2050, chỉ bởi vì quá trình biến đổi khí hậu.
Theo đó, dự đoán từ Cục quản lý khí quyển và nhiệt độ Quốc gia (Mỹ) đã chỉ ra rằng nhiệt độ Trái đất sẽ tăng khoảng 2 độ C trong 30 năm kế tiếp, và điều đó sẽ gây ra thảm họa đối với ngành công nghiệp chocolate trên toàn thế giới.
Cây cacoa – nguyên liệu để tạo ra chocolate – chỉ mọc được xung quanh khu vực 20 độ vĩ Bắc và Nam, với môi trường lý tưởng là nhiệt đới ẩm.
Nhưng nhiệt độ tăng sẽ khiến nước thoát đi nhanh hơn, trong khi lượng mưa rơi xuống là không đủ. Hệ quả, cây không thể sống, và nền công nghiệp chocolate sẽ bị ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng.
Đó là một viễn cảnh chẳng mấy vui vẻ với không chỉ các tập đoàn kinh doanh bánh kẹo, mà cả người tiêu dùng nữa. Hãy cứ tưởng tượng đến năm 2050, bạn phải cầm vàng ra đổi lấy chocolate là hiểu ngay vấn đề nhé.
Tuy nhiên, mọi chuyện có vẻ như đều có cách giải quyết. Mới đây thì Mars – tập đoàn sản xuất bánh kẹo hàng đầu thế giới (M&M, Snicker, Milky Way đều của Mars) cho biết, họ sẽ sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene để tạo ra các loại cây cacoa có sức chống chịu tốt hơn, nhằm chuẩn bị cho quá trình biến đổi khí hậu cực đoan trong tương lai.
Được biết, công nghệ Mars dự tính áp dụng chính là Crispr-Cas9 – công cụ cho phép chỉnh sửa gene với độ chính xác cao nhất hiện nay. Nó sử dụng một số enzyme đặc biệt với tác dụng cắt nhỏ ADN, sau đó chỉnh sửa theo như ý muốn của con người.
Với Crispr-Cas9, Mars sẽ tạo ra được những cây cacoa có sức chống chịu mãnh liệt nhất, đồng thời chẳng sợ sâu bệnh, và cũng cần ít nước hơn mà vẫn có thể tồn tại.
“Đúng là hiện tại đã có những hiệp định để bảo vệ hành tinh của chúng ta, nhưng thành thực mà nói, tôi không nghĩ chúng ta có thể làm kịp” – Barry Parkin, giáo đốc dự án biến đổi gene mang tên Sustainability Generation (Thế hệ bền vững) cho biết.
Được biết, đây không phải lần đầu các chuyên gia cảnh báo về sự khan hiếm chocolate trong tương lai. Theo như ghi nhận, một người phương Tây có thể ăn 286 thanh chocolate mỗi năm, và con số thậm chí còn lớn hơn tại Bỉ – nơi sản xuất chocolate hàng đầu thế giới.
Nhưng bất chấp nhu cầu ngày càng gia tăng, nguồn cung lại ngày càng cạn kiệt. Theo Doug Hawking từ Trung tâm nghiên cứu Hardman Agribusiness, dự tính trong vài năm tới, lượng chocolate thiếu hụt sẽ rơi vào khoảng 100.000 tấn/năm.
Hiện tại, Mars đã đổ đến hơn 1 tỉ USD vào dự án này, trong đó có sự trợ giúp của Jennifer Doudna – chuyên gia di truyền của ĐH California Berkeley (UC Berkeley), đồng thời cũng là người tạo ra CRISPR-Cas 9.
Họ đang cố gắng để tìm ra giải pháp tối ưu nhất, để giải cứu bản đồ thực phẩm của nhân loại.
Bên cạnh đó, thứ được nghiên cứu không chỉ có cây cacoa. Đội nghiên cứu cho biết họ còn tìm cách xử lý ADN của cây sắn, nhằm khiến nó bớt sản sinh ra chất độc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.