Trong nghiên cứu, một nhóm tình nguyện viên ngủ dưới 7 giờ/ngày được “huấn luyện” để có thể ngủ nhiều hơn bằng cách làm sạch giường trước khi ngủ, không ăn uống trước khi ngủ – nhất là các chất chứa caffeine, và thư giãn nhiều hơn vào buổi chiều.
Kết quả, nhóm ngủ thêm được trung bình 90 phút/ngày. Kết quả phân tích chế độ ăn hằng ngày của họ 1 tuần sau cho thấy họ đã ăn ít đường hơn so với lúc trước khi tham gia nghiên cứu.
Ngược lại, những người không cải thiện giấc ngủ vẫn ăn đường “đều đều”.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Haya Al Khatib từ ĐH King nói rằng thời gian và chất lượng giấc ngủ có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.
“Kết quả của chúng tôi cho thấy rằng tăng thời gian ngủ thêm ít nhất 1 giờ có thể giúp bạn có xu hướng lựa chọn thức ăn lành mạnh hơn. Nghiên cứu cũng một lần nữa khẳng định mối liên quan giữa việc ngủ ít và chế độ ăn uống không lành mạnh đã được chỉ ra trong các nghiên cứu trước đây.
Chúng tôi hi vọng kết quả này sẽ là cơ sở cho những ý tưởng nghiên cứu sâu hơn về mối tương quan giữa chế độ ăn hợp lý và thời gian ngủ đủ giấc, đặc biệt khi dân số thế giới ngày càng có nguy cơ mắc bệnh béo phì và tim mạch”, Khatib thêm.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí American Journal Clinical Nutrition.
Trước đây, các nhà khoa học cho rằng thiếu ngủ là nguyên nhân gây béo phì vì sẽ làm tăng lượng hormone gây thèm ăn.
Ngủ ngon mỗi đêm bằng cách nào?
– Duy trì một thời điểm đi ngủ mỗi ngày, thậm chí vào cuối tuần. Hạn chế ngủ nướng vì có thể làm cơ thể khó ngủ vào đêm tiếp theo, từ đó ảnh hưởng thêm nhiều đêm sau.
– Hạn chế tiếp xúc với màn hình máy tính hoặc máy tính bảng vào ban đêm.
– Thư giãn một giờ trước khi ngủ. Khi não bị áp lực trước công việc sẽ làm chúng ta khó ngủ dù rất mệt.
– Uống đủ nước. Thiếu nước có thể làm bạn ngủ không sâu, và có thể làm bạn thức dậy để uống thêm nước. Tuy nhiên không nên uống quá nhiều nước vì có thể bạn phải đi vệ sinh.
– Không nên đi ngủ khi ăn quá no cũng như quá đói.