Tầm quan trọng của giấc ngủ là điều không cần bàn cãi. Thiếu ngủ khiến cho cơ thể thiếu thời gian phát triển cơ bắp, chỉnh sửa các mô tổn hại, phục hồi trí não. Thiếu ngủ khiến chúng ta dễ cáu gắt, mệt mỏi, ăn không thấy ngon và suy giảm khả năng tư duy. Còn nếu bị thiếu ngủ kinh niên, bạn tăng nguy cơ té ngã cùng những bệnh nguy hiểm như tiểu đường, béo phì, cao huyết áp, bệnh tim mạch…
Chiếc gối không thích hợp có thể là nguyên nhân khiến bạn phải trằn trọc, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm. Loại gối thích hợp với cơ địa, tình trạng sức khỏe không những giúp chúng ta ngủ ngon mà còn là phương tiện nâng đỡ cổ, lưng, giúp giảm thiểu nguy cơ đau vai, gáy, cổ, lưng. Báo Daily Mail dẫn lời bà Sammy Margo, chuyên gia vật lý trị liệu và là tác giả quyển The Good Sleep Guide (tạm dịch: Cẩm nang ngủ ngon) cho biết, việc dùng gối không thích hợp có thể làm hẹp đường thở, dẫn đến khó thở và ngáy.
Chọn gối dựa trên tư thế ngủ
“Nếu cổ phải cong theo bất kỳ chiều hướng nào trong một thời gian dài, bạn sẽ bị đau”, chuyên gia vật lý trị liệu Matthew O’Rourke tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Spaulding (Mỹ) giải thích. Ông cho biết, một chiếc gối quá cứng hoặc quá mềm đều có thể gây đau. Nhưng không có công thức chung nào cho tất cả mọi người mà còn tùy thuộc vào tư thế ngủ của họ. Chẳng hạn, nếu bạn có thói quen nằm ngủ nghiêng một bên mà dùng loại gối mềm không nâng đỡ đủ mức, cổ sẽ bị căng thái quá để với tới gối. Nhưng nếu bạn hay nằm sấp mà ngủ, cổ có khuynh hướng bị đẩy về phía sau. Gối cứng trong trường hợp này còn đẩy cổ về phía sau nhiều hơn. Gối quá cứng cho tư thế nằm ngửa thì trái lại đẩy cổ cong về phía trước.
Nguyên tắc cơ bản của việc chọn gối thích hợp không quá phức tạp. Người nằm nghiêng cần gối cứng, có thể hơi cao. Người nằm ngửa và sấp nên chọn gối mềm và mỏng. Tuy nhiên, tư thế nằm sấp không được các chuyên gia khuyến khích.
Báo Medical Daily dẫn lời chuyên gia vật lý trị liệu Vivian Eisenstadt giải thích, dẫu tư thế này có thể giúp giảm ngáy nhưng nó khiến cho cổ bạn phải xoay sang một bên, căng cứng, không những làm đau lưng, cổ mà còn gây khó khăn cho việc lưu thông máu và thở. Trong khi đó, nằm ngửa là tư thế tốt cho lưng, cổ nhất vì lúc ở tư thế này mà chọn được loại nệm, gối thích hợp, chúng ta giữ cho lưng, cổ ở tư thế thẳng tự nhiên.
Gối trị liệu có thích hợp?
Chưa bao giờ người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn như hiện nay, khi mỗi loại sản phẩm đều có rất nhiều chủng loại, thương hiệu, giá cả khác nhau. Gối cũng như thế. Nhưng một cách cơ bản, gối bông và lông thì tốt cho lưng cổ hơn gối polyester và mút. Nhưng sản phẩm giữa thời công nghệ cao không đơn giản thế. Các “thượng đế” thời nay lên tục được mời chào những loại gối có thể điều chỉnh để hợp với vóc dáng đầu cổ của mình như loại làm bằng mút hoạt tính, gối giữ cho người sử dụng được mát, gối chống ẩm, gối đẩy lùi muỗi và côn trùng…
Một số loại gối thông minh còn có thể ghi lại các chỉ số, thói quen của cơ thể, loại khác thì phát nhạc hợp với tâm trạng của bạn hoặc nhạc báo thức… Bên cạnh đó còn có những loại gối trị liệu, gối chỉnh hình với lời hứa hẹn chữa trị đau lưng cổ. Nhưng bạn cần nhớ: đã là dụng cụ y khoa thì nó được thiết kế cho riêng từng dạng bệnh khác nhau và bạn cần có sự tư vấn của nhà chuyên môn.
Gối lông có “tuổi thọ” chừng 8 năm. Gối bông “sống khỏe” được 5 năm. Riêng gối ruột chất liệu nhân tạo chỉ “chạy tốt” trong từ 6 tháng – 2 năm, tùy loại. Tuy nhiên, những con số này chỉ có giá trị tham khảo. Bất kỳ chiếc gối nào, dù đắt tiền tới đâu cũng cần được thay mới khi không còn bảo vệ được cột sống và cổ của người sử dụng.
Để kiểm tra điều này, với gối lông và bông, bạn hãy đặt nó lên nền cứng, gấp lại làm 2 hoặc làm 3, sau đó bung ra. Nếu chiếc gối trở lại hình dáng ban đầu, nó vẫn còn giá trị sử dụng. Với gối polyester cũng hãy gấp tương tự, có điều đặt lên đó một vật nặng chừng 300 gr (một chiếc giày chẳng hạn). Nếu gối bung ra và hất văng chiếc giày thì bạn hẵng giữ nó lại mà dùng tiếp.
Bên cạnh đó, nếu bạn biết rõ trong gối có gì, có khi bạn chỉ muốn quẳng ngay nó vào lò lửa: hằng hà sa số mạt bụi nhà – một loại mạt thuộc lớp hình nhện – có thể gây dị ứng, rất nhiều tế bào da chết (nguồn thức ăn khoái khẩu của mạt bụi nhà), ti tỉ loại nấm và không ít… phân. Nếu trong nhà bạn có nuôi thú cưng, gối cũng là nơi trú ẩn an toàn cho rất nhiều vi khuẩn, vi trùng “hứa hẹn” nhiều căn bệnh khó chịu cho chủ nhân. Đừng vội quăng gối vào lò lửa, hãy kiểm tra tính năng sử dụng của nó, thường xuyên giặt bằng nước ấm, phơi nắng và thay mới kịp lúc.