Theo một TikToker, nến thơm có thể thải ra khí gây ung thư. Nhưng nhà độc chất học và bác sĩ phổi cho biết lượng hóa chất do nến thơm giải phóng sẽ không gây hại cho cơ thể.

Chỉ động vật trong phòng thí nghiệm và người làm công việc tiếp xúc với lượng lớn formaldehyde mới bị ung thư. Ảnh: Brandsynario.

Theo Insider, một số người dùng mạng xã hội cho biết nến thơm mùi thông và mùi bánh gừng có thể gây ung thư. Nhà độc chất học Yvonnne Burkart đã gây sốt trên TikTok khi chia sẻ 5 lý do cô không đốt nến.

Burkart cho hay nến, đặc biệt là nến thơm làm bằng sáp rẻ tiền, thải ra không khí các hóa chất gây ung thư gồm formaldehyde và benzen. Điều này không chỉ góp phần gây ô nhiễm không khí trong nhà mà còn làm rối loạn nội tiết tố của cơ thể và gây khó chịu cho người bị dị ứng.

Tuy nhiên, các nhà độc chất học và bác sĩ phổi khác cho biết lượng hóa chất do nến thơm giải phóng sẽ không gây hại cho cơ thể.

Nghiên cứu năm 2021 cô Burkart trích dẫn trong video cho thấy nến làm từ dầu cọ, mỡ động vật và parafin thải ra benzen cũng như formaldehyde, hai hóa chất Mỹ công nhận là gây ung thư.

Nhưng Hans Plugge, nhà nghiên cứu về chất độc, làm việc tại công ty tư vấn Safer Chemical Analytics, cho biết lượng formaldehyde do nến thải ra không đủ để gây ung thư.

Formaldehyde được tìm thấy tự nhiên trong trái cây, rau, sữa và thịt. Theo ông Plugge và Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, chỉ động vật trong phòng thí nghiệm và người làm công việc tiếp xúc với lượng lớn formaldehyde mới bị ung thư do tiếp xúc với hóa chất.

“Bạn đã ăn hoặc tiêu hóa những chất sinh ung thư và nó không gây ung thư. Nếu bạn liên tục tiếp xúc với lượng formaldehyde rất thấp, bạn có thể sẽ không bị bất kỳ ảnh hưởng nào”, ông Plugge nói.

Không có mối nguy hiểm nào sắp xảy ra khi đốt nến thơm trong nhà. Ảnh: Pinkvilla.

Bà Burkart cũng nói nến thơm giải phóng “hương thơm độc hại” có thể gây ung thư và phá vỡ nội tiết tố của cơ thể, nhưng nhà độc chất học đã tìm hiểu về cuộc khảo sát khác và không tìm thấy bằng chứng nến thơm giải phóng loại hóa chất này.

Tiến sĩ Sobia Farooq, bác sĩ chuyên khoa phổi tại phòng khám Cleveland Clinic, cho biết một số nghiên cứu chỉ ra hydrocarbon có thể gây hại cho người mắc hoặc thuyên giảm bệnh ung thư bàng quang hay bệnh phổi mạn tính. Nhưng đại đa số người Mỹ không cần lo lắng về nến thơm mùi thông.

Bà Burkart đề xuất đun sôi các loại gia vị và thực vật có mùi thơm thay vì sử dụng nến thơm, nhưng ông Plugge cho biết phương pháp thay thế này có thể gây khó chịu cho người bị dị ứng. Hóa chất trong quế và vỏ cam nằm trong danh sách các chất tạo mùi phổ biến gây dị ứng của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ.

Việc nấu ăn trong nhà góp phần gây ô nhiễm không khí có mối liên hệ chặt chẽ với bệnh hô hấp hơn nến thơm, theo tiến sĩ Farooq.

Ông nói thêm các nhà nghiên cứu về phổi suy đoán sáp paraffin (chủ yếu được dùng trong nến rẻ tiền) có thể thải ra nhiều hóa chất nguy hiểm hơn cho không khí. Nhưng những tuyên bố này chưa được chứng minh là có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Nghiên cứu năm 2021 trong video của Burkart cho thấy nến paraffin, dầu cọ và mỡ động vật thải ra cùng một mức formaldehyde.

“Không có mối nguy hiểm nào sắp xảy ra. Bạn chỉ cần chú ý đến việc đầu tư cho nến chất lượng cao và giữ chúng ở những nơi thông thoáng”, tiến sĩ Farooq chia sẻ trong thông cáo báo chí.

Theo Nam Giao (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link