Trên thực tế, chất béo đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Ở bất kỳ độ tuổi nào, con người cũng cần chất béo. Việc lo ngại tăng cân hay tăng cholesterol dẫn đến cắt giảm lượng lớn chất béo ra khỏi chế độ ăn sẽ gây ra nhiều hậu quả.

Người ăn quá ít chất béo có thể bị thiếu năng lượng, giảm sức đề kháng và thiếu nhiều vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K. Các loại vitamin này bắt buộc phải gắn với chất béo mới có khả năng hấp thu vào cơ thể.

Ngoài ra, việc thiếu hụt chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày ảnh hưởng đến sức bền của cơ thể và hoạt động của cơ quan thần kinh trung ương hay hoạt động tiêu hóa, hấp thu, chuyển hóa.

Mặt khác, ăn quá nhiều chất béo cũng sẽ gây tác hại xấu cho cơ thể. Chất béo được chia ra làm 2 loại. Trước tiên, chất béo không bão hòa, hay còn gọi là chất béo tốt, giúp bảo vệ thành mạch và kháng viêm cho cơ thể.

Trong khi đó, chất béo bão hòa thường được biết là chất béo xấu. Tiêu thụ nhiều chất béo này khiến cơ thể sản sinh ra cholesterol xấu, tăng xơ vữa động mạch, đột quỵ, tăng huyết áp và các bệnh về tim mạch. Nhưng nó cũng chứa các axit béo thiết yếu cơ thể cần và tham gia vào cấu trúc tế bào (như tế bào thần kinh).

Do đó, để đảm bảo sức khỏe, mỗi người nên bổ sung chất béo theo đúng khuyến nghị. Đối với người Việt Nam, mỗi ngày, chúng ta nên ăn khoảng 20-25% tổng năng lượng từ chất béo và không nên ăn quá 30%.

Vì đa số thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày đều chứa cả 2 loại chất béo này, kể cả dầu ăn hoặc mỡ cá, mọi người nên ăn cân đối khoảng 10% chất béo bão hòa và 15% chất béo không bão hòa.

Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM chia sẻ.

Theo Zing – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link