Người Việt Nam đang ăn trung bình 9,5 g muối/ngày, gần gấp đôi khuyến cáo của thế giới.

Thói quen ăn mặn sẽ làm tổn thương lớp niêm mạc đường tiêu hóa. Ảnh: Istock.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, Trần Thị Anh Tường, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết nếu thiếu muối, hệ cơ và thần kinh của con người sẽ không hoạt động được. Do đó, muối rất cần với cơ thể nhưng ở mức độ nhất định.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, người trưởng thành khỏe mạnh không nên ăn quá 6 g muối/ngày, tương đương với một thìa cà phê muối. Tuy nhiên, người Việt Nam đang ăn trung bình 9,5 g muối/ngày, gần gấp đôi mức khuyến cáo.

Bác sĩ Tường cho hay hậu quả của thói quen ăn mặn là nhiều bệnh tật như cao huyết áp, tim mạch, đột tử, đột quỵ và cả ung thư.

“Ăn mặn là yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày và thực quản. Nguy cơ ung thư dạ dày cao gấp 1,5 lần ở người ăn mặn. Chế độ ăn này còn liên quan đến cả ung thư đại tràng, thận và bàng quang”, bác sĩ Tường nói.

Mặc dù chưa có lý giải chính thức, một số nghiên cứu dịch tễ trên thế giới cho thấy số lượng mắc ung thư cao hơn ở nhóm tiêu thụ muối nhiều hơn. Theo bác sĩ Tường, có 2 giả thuyết về việc ăn mặn dễ bị ung thư dạ dày.

Thứ nhất, việc ăn mặn sẽ làm tổn thương lớp niêm mạc đường tiêu hóa. Vi khuẩn HP luôn có trong dạ dày. Khi niêm mạc dạ dày tổn thương, HP dễ dàng xâm nhập sâu vào bên trong và gây ra ung thư dạ dày.

Thứ hai, ăn mặn sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn HP tăng trưởng. Khi số lượng HP nhiều hơn thì nguy cơ ung thư dạ dày sẽ cao hơn.

Bác sĩ Tường phân tích lượng muối phù hợp sẽ thay đổi theo độ tuổi, tình trạng bệnh tật. Nếu trẻ trên 11 tuổi có thể ăn lượng muối như người trưởng thành khỏe mạnh (tối đa khoảng 6 g muối/ngày), trẻ nhỏ dưới một tuổi chỉ nên ăn dưới một gam muối/ngày do thận chưa đủ phát triển để đào thải. Người từng bị tai biến, người mắc bệnh huyết áp, tim mạch nên ăn khoảng 3 g muối/ngày.

Bên cạnh đó, thói quen dùng nước mắm, nước chấm, các loại sốt, tương, tương cà… trong bữa ăn đã đưa thêm lượng muối vào cơ thể. Thói quen này rất khó thay đổi ở người lớn. Vì thế, bác sĩ khuyến khích các gia đình không nên dọn sẵn nước chấm lên mâm cơm hàng ngày để hạn chế việc “chấm”, từ đó giảm lượng muối tiêu thụ.

Các bà nội trợ cũng nên giảm muối khi chế biến, chỉ khoảng 75% mức khuyến cáo để trừ hao cho lượng muối khi chấm thức ăn.

Bác sĩ Tường cho hay thay đổi thói quen là một quá trình, một thời gian dài. Vì vậy, người lớn cần tập cho trẻ ăn nhạt ngay từ đầu, nếu để hình thành thói quen ăn đậm đà sẽ rất khó thay đổi.

Theo Zing – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link