PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, những người ăn nhiều chất béo, đạm, đặc biệt là mỡ động vật, ít rau quả, sử dụng thực phẩm bẩn, thực phẩm ô nhiễm hóa chất bảo quản có nhiều nguy cơ mắc bệnh ung thưđường tiêu hóa như đại trực tràng, ung thư vú.
Những thực phẩm chứa chất độc hại khi vào cơ thể thông qua ăn uống sẽ đi qua máu, tác động vào từng tế bào gây ra nhiều loại bệnh ung thư hơn.
Khi cơ thể bị nhiễm hóa chất có thể gây ngộ độc lập tức nhưng nếu tích tụ lâu dài, đến một lúc nào đó, đủ lượng sẽ gây đột biến tế bào. Nếu đột biến nhẹ, tế bào có thể tự điều chỉnh. Nhưng bị đi bị lại nhiều lần, tế bào sẽ nhờn, mất khả năng điều chỉnh trở thành tế bào đột biến ác tính.
Giám đốc Bệnh viện K nhận định, các chất bảo quản thực phẩm, nhuộm màu thực phẩm có nguồn gốc hoá học, các chất trung gian chuyển và sinh ra từ thực phẩm nấm mốc, lên men (cà, dưa muối) gây ra nhiều loại ung thư đường tiêu hoá như: Dạ dày, gan, đại tràng, thực quản…
Các chuyên gia đầu ngành về ung thư cũng cho rằng, các chất tăng trọng, thuốc trừ sâu, kháng sinh, chất phụ gia… có trong thực phẩm gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe người sử dụng, có thể gây ngộ độc cấp tính, nhiễm trùng, sán não nhưng để phát triển thành bệnh lý ung thư thường phải sau thời gian dài tiếp xúc.
PGS.TS Trần Văn Thuấn khuyến cáo, để phòng ngừa ung thư, phòng tránh nguy cơ tử vong thì bệnh nhân ung thư cần được phát hiện sớm, điều này sẽ dẫn đến khả năng điều trị thành công và kéo dài cuộc sống rất cao.
Bên cạnh đó, mỗi người cần thực hiện lối sống điều độ, lành mạnh, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu bia và thường xuyên vận động, luyện tập thể dục – thể thao.
Không ăn ngũ cốc và các loại thực phẩm đã bị mốc; hạn chế các loại thức ăn dạng xông khói hay muối như: thịt xông khói, thịt muối, cá muối…; không hút thuốc lá (chất hắc ín có trong thuốc lá chính là nhân tố gây bệnh ung thư phổi và ung thư tuyến tụy)…
Với bệnh nhân ung thư, các chuyên gia khuyên ăn chế độ đầy đủ chất dinh dưỡng bao gồm vitamin, nước, khoáng chất, đường, đạm, chất béo.
Ngoài ra, cần giữ cân năng hợp lý, hạn chế uống rượu, không hút thuốc lá và tập thể dục đều đặn.
Một số khuyến cáo hướng dẫn nên ăn chủ yếu các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, chứ không phải hoàn toàn kiêng thịt, cắt bỏ hoàn toàn thịt trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Nếu người bệnh muốn chọn chế độ ăn chay, phải đảm bảo đây là một chế độ ăn chay lành mạnh, đa dạng, phong phú và cung cấp đầy đủ năng lượng.
Nếu người bệnh không được cung cấp đủ năng lượng sẽ dẫn đến gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khoẻ để chống chọi với bệnh tật cũng như không đáp ứng được các phương thức điều trị ung thư đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị.