Người mắc chứng suy giáp nên hạn chế thực phẩm từ đậu nành, rau họ cải, thực phẩm đã qua chế biến, nhiều đường và chất béo…

Chứng suy giáp là tình trạng chức năng tuyến giáp suy giảm, gây thiếu hụt hormone tuyến giáp, ảnh hưởng đến hoạt động chuyển hóa và nhiều quá trình khác trong cơ thể. Đây là tình trạng khó kiểm soát và những gì bạn ăn có thể cản trở quá trình điều trị. Một số chất dinh dưỡng ảnh hưởng lớn đến chức năng của tuyến giáp và một số loại thực phẩm có thể ức chế khả năng hấp thụ các hormone thay thế mà bạn có thể dùng trong quá trình điều trị.

Theo Hiệp hội Tuyến giáp Mỹ, hơn 12% dân số có thể phải đối phó tình trạng tuyến giáp vào một thời điểm nào đó trong đời. Ngoài ra, các vấn đề về tuyến giáp có thể diễn ra thầm lặng: Trong số gần 20 triệu người Mỹ sống chung với căn bệnh này, có đến 60% thậm chí không nhận ra mình mắc bệnh.

Giống nhiều tình trạng sức khỏe khác, một số yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát, bao gồm tiền sử gia đình và môi trường xung quanh, sẽ ảnh hưởng đến bệnh tuyến giáp. Tuy nhiên, chế độ ăn uống đóng vai trò nổi bật, và vì là người chịu trách nhiệm chính cho bữa ăn, bạn hoàn toàn có thể quyết định chọn loại thực phẩm nào thân thiện với tuyến giáp.

Dưới đây là 9 loại thực phẩm cần hạn chế hoặc cần tránh để kiểm soát chứng suy giáp:

1. Thực phẩm từ đậu nành

Đậu phụ có thể cản trở khả năng hấp thụ thuốc tuyến giáp.
Đậu phụ có thể cản trở khả năng hấp thụ thuốc tuyến giáp.

Từ lâu, người ta đã lo ngại về những tác động tiêu cực tiềm ẩn mà một số hợp chất trong đậu nành – được gọi là isoflavone – có thể gây ra với tuyến giáp. Một số nhà nghiên cứu tin rằng quá nhiều đậu nành có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy giáp. Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố vào tháng 3/2019 trên tạp chí Scientific Reports đã phát hiện ra rằng đậu nành không ảnh hưởng đến hormone tuyến giáp và làm tăng mức độ hormone kích thích tuyến giáp ở mức độ vừa phải.

Dù vậy, các nhà nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ đậu nành có thể cản trở khả năng hấp thụ thuốc tuyến giáp. Vì lý do này, bạn có thể phải đợi 4 giờ sau khi ăn thực phẩm làm từ đậu nành trước khi dùng liều thông thường. Do đó, bạn vẫn nên hạn chế các món như đậu Edamame của Nhật, đậu phụ và canh Miso.

2. Các loại rau họ cải

Rau họ cỉa cản trở việc sản xuất hormone tuyến giáp nếu bạn bị thiếu i-ốt.
Rau họ cải cản trở việc sản xuất hormone tuyến giáp nếu bạn bị thiếu i-ốt.

Các rau họ cải, chẳng hạn bông cải xanh và súp lơ trắng, chứa nhiều chất xơ và các chất dinh dưỡng khác, nhưng chúng có thể cản trở việc sản xuất hormone tuyến giáp nếu bạn bị thiếu i-ốt. Vì vậy, nên hạn chế ăn cải Brussels, bắp cải, súp lơ, cải xoăn, củ cải và cải ngọt, do nghiên cứu cho thấy việc tiêu hóa những loại rau này có thể ngăn chặn khả năng sử dụng i-ốt của tuyến giáp. Tuy nhiên, theo Mayo Clinic, bạn sẽ cần tiêu thụ một lượng đáng kể các loại rau họ cải để nó thực sự tác động đến sự hấp thu i-ốt.

Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc cả chứng suy giáp và thiếu i-ốt, có thể làm cho những loại rau này trở nên ít gây hại hơn bằng cách nấu chín chúng, và chỉ ăn khoảng 150 g một ngày để tránh xảy ra tác dụng phụ với chức năng tuyến giáp.

3. Gluten (có trong bánh mì và mì ống)

Ruth Frechman, chuyên gia dinh dưỡng ở khu vực Los Angeles (Mỹ) kiêm phát ngôn viên Học viện Ăn kiêng và Dinh dưỡng cho biết những người bị suy giáp có thể cần xem xét giảm thiểu lượng gluten ăn vào. Loại protein này có trong thực phẩm chế biến từ lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen và các loại ngũ cốc khác. Và nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh celiac (không dung nạp gluten), ăn bánh mì hoặc pasta có thể gây kích ứng ruột non, cản trở sự hấp thụ thuốc thay thế hormone tuyến giáp.

Một bài báo được xuất bản tháng 5/2017 trên tạp chí Endocrine Connections lưu ý rằng bệnh suy giáp và bệnh celiac thường xuất hiện cùng nhau. Một nghiên cứu được công bố tháng 7/2019 trên tạp chí Experimental and Clinical Endocrinology & Diabetes cho thấy chế độ ăn không gluten có thể mang lại lợi ích lâm sàng cho phụ nữ mắc bệnh tuyến giáp.

Nếu bạn vẫn muốn tiêu thụ gluten, hãy nhớ chọn các loại bánh mì và mì ống làm từ ngũ cốc nguyên hạt, có nhiều chất xơ và các chất dinh dưỡng khác, đồng thời có thể giúp cải thiện tình trạng bất thường của ruột – một triệu chứng phổ biến của bệnh suy giáp. Ngoài ra, hãy chắc chắn uống thuốc điều trị suy giáp vài giờ trước hoặc sau khi ăn thực phẩm giàu chất xơ để ngăn chúng cản trở sự hấp thụ hormone tuyến giáp tổng hợp của bạn.

4. Thực phẩm nhiều chất béo (bơ, thịt và các món chiên)

Chất béo trong đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ làm giảm khả năng hấp thụ thuốc thay thế hormone tuyến giáp.
Chất béo trong đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ làm giảm khả năng hấp thụ thuốc thay thế hormone tuyến giáp.

Stephanie Lee, Phó trưởng khoa nội tiết, dinh dưỡng và bệnh tiểu đường tại Trung tâm Y tế Boston và Phó giáo sư tại Đại học Y Boston ở Massachusetts, cho biết chất béo đã được phát hiện là làm gián đoạn khả năng hấp thụ thuốc thay thế hormone tuyến giáp của cơ thể.

Chất béo cũng có thể cản trở khả năng sản xuất hormone của tuyến giáp. Một số chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyên nên cắt bỏ tất cả loại thực phẩm chiên rán và giảm lượng chất béo từ các nguồn như bơ, xốt mayonnaise, bơ thực vật và thịt mỡ.

5. Thực phẩm đóng gói đã qua chế biến

Theo Frechman, thực phẩm chế biến có xu hướng chứa nhiều natri và những người bị suy giáp nên tránh natri. Tuyến giáp hoạt động kém làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp và quá nhiều natri càng làm tăng nguy cơ này.

Nên đọc nhãn “Thành phần dinh dưỡng” trên bao bì thực phẩm chế biến để tìm các lựa chọn có hàm lượng natri thấp nhất. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, những người có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp nên hạn chế lượng natri ăn vào ở mức 1.500 miligam mỗi ngày.

6. Thực phẩm nhiều đường

Thực phẩm nhiều đường khiến bạn dễ tăng cân, không tốt cho quá trình trao đổi chất ở người suy giáp.
Thực phẩm nhiều đường khiến bạn dễ tăng cân, không tốt cho quá trình trao đổi chất ở người suy giáp.

Frechman cho biết suy giáp có thể khiến quá trình trao đổi chất của cơ thể chậm lại. Điều đó đồng nghĩa bạn rất dễ tăng cân nếu không cẩn thận. “Bạn nên tránh những thực phẩm nhiều đường vì chúng nhiều calo mà không có chất dinh dưỡng. Tốt nhất là giảm lượng đường bạn ăn hoặc cố gắng loại bỏ hoàn toàn đường khỏi chế độ ăn uống của bạn”, cô nói.

7. Chất xơ dư thừa từ các loại đậu và rau

Ăn đủ chất xơ là điều quan trọng, nhưng quá nhiều có thể làm phức tạp quá trình điều trị suy giáp của bạn. Hướng dẫn hàng ngày của chính phủ dành cho người Mỹ hiện khuyến nghị người lớn từ 50 tuổi trở xuống nên bổ sung từ 25 đến 38 gam chất xơ mỗi ngày. Lượng chất xơ từ ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây, đậu và các loại đậu vượt quá mức đó sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và có thể cản trở việc hấp thụ thuốc thay thế hormone tuyến giáp.

8. Cà phê

Cà phê uống cùng thuốc thay thế hormone tuyến giáp khiến mức độ tuyến giáp không thể kiểm soát.
Cà phê uống cùng thuốc thay thế hormone tuyến giáp khiến mức độ tuyến giáp không thể kiểm soát.

Theo một nghiên cứu trên tạp chí Thyroid, caffein đã được phát hiện là ngăn chặn sự hấp thụ của thuốc thay thế hormone tuyến giáp. “Những người uống thuốc tuyến giáp của họ cùng cà phê buổi sáng có mức độ tuyến giáp không thể kiểm soát được và chúng tôi không tìm ra lý do vì sao. Bây giờ tôi phải rất cẩn thận để nhắc mọi người rằng chỉ nên uống thuốc với nước. Bạn cũng nên đợi ít nhất 30 phút sau khi uống thuốc tuyến giáp rồi mới thưởng thức một tách cà phê”, bà Lee nói.

9. Rượu

Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Nội tiết và Chuyển hóa Ấn Độ, uống rượu có thể tàn phá cả nồng độ hormone tuyến giáp trong cơ thể và khả năng sản xuất hormone của tuyến giáp. Rượu dường như có tác dụng độc hại với tuyến giáp và ngăn chặn khả năng sử dụng hormone tuyến giáp của cơ thể. Tốt nhất, những người bị suy giáp nên cắt bỏ rượu hoàn toàn hoặc uống có chừng mực.

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link