100 g múi cam có 87,5 g nước; 0,9 g protid; 1,3 g acid hữu cơ; 8,4 g glucid; 1,4 g xenluloza; 34 mg canxi; 23 mg photpho; 0,4 mg sắt; khá nhiều vitamin A (dưới dạng caroten), vitamin B1, B2…

Như vậy, cam là loại quả ngon và có tác dụng bồi bổ cơ thể tốt. Vì vậy, nhân dân vẫn dùng nước cam làm thức ăn cho người bệnh, trẻ nhỏ, sản phụ và những người yếu mệt cần bồi dưỡng sức khỏe. Ngoài giá trị dinh dưỡng, chúng ta còn dùng nước cam để chữa bệnh thiếu vitamin C, giải khát.

Tuy nhiên, nước cam nên được sử dụng cách xa bữa ăn khoảng 45-60 phút. Bạn nên dùng vào các bữa sáng, trưa hoặc chiều. Bạn không nên sử dụng khi đói hoặc vào buổi tối muộn vì dễ gây kích thích dạ dày.

Ngoài ra, những người có bệnh lý dạ dày, cần hạn chế nồng độ kali, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch nên hạn chế dùng nước cam.

Bạn cũng nên tránh uống nước cam khi vừa uống sữa xong, bởi lượng protein trong sữa có thể xảy ra tương tác với vitamin C và axit tartaric có ở nước cam. Phản ứng này có thể làm ảnh hưởng xấu đến quá trình tiêu hoá, gây ra các triệu chứng như đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy…

Với trẻ 1-2 tuổi, lượng nước cam hàng ngày nên dùng chỉ 100-150 ml. Uống ngay sau khi vắt.

Người lớn có thể sử dụng một ly nước cam 200 ml, tương ứng với một quả cam sành khoảng 250-300 g.

Bác sĩ Đào Thị Hảo, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội chia sẻ.

Theo Zing – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link