Thịt đỏ, đồ chế biến sẵn, carb tinh chế, muối, đồ có đường hay rượu bia… đều có thể khiến tình trạng viêm khớp gối của bạn nghiêm trọng hơn.

1. Thịt đỏ

Thịt đỏ chứa nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa, so với thịt trắng và protein từ thực vật. Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc ăn thịt đỏ với mức độ viêm nhiễm gia tăng, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng sưng khớp và các triệu chứng viêm khớp.

Một nghiên cứu cho thấy rằng việc thay thế thịt đỏ bằng một khẩu phần thịt gà, cá, các loại đậu hoặc quả hạch có liên quan đến chỉ số gây viêm thấp hơn.

2. Sữa giàu chất béo

Sữa, sữa chua và các sản phẩm từ sữa khác có thể không tốt cho bệnh viêm khớp, dù điều này còn phụ thuộc vào lượng chất béo và đường chứa trong một sản phẩm cụ thể.

Nhìn chung, nếu bị viêm khớp, bạn nên tránh sữa béo và các sản phẩm có thêm đường. Nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa chế độ ăn nhiều chất béo và các phản ứng viêm nhiễm. Nếu nghi ngờ mình nhạy cảm hoặc không dung nạp sữa, hãy tạm thời dừng sử dụng sữa trong một khoảng thời gian ngắn. Việc này có thể giúp bạn tìm hiểu xem có cảm thấy tốt hơn khi không có sữa trong chế độ ăn uống của mình hay không.

Lưu ý rằng một số sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như sữa chua và nấm kefir, có men vi sinh hoặc vi khuẩn có lợi. Nghiên cứu cho thấy rằng chế phẩm sinh học và hỗn hợp vi khuẩn đường ruột lành mạnh làm giảm viêm và có thể giúp giảm các triệu chứng viêm khớp. Do đó, hãy lựa chọn các sản phẩm ít chất béo.

Viêm khớp có thể trở nên tồi tệ hơn nếu bạn không chú ý tránh tiêu thụ thịt đỏ, rượu bia, muối hay đường... Ảnh: Hogan Chiropractic
Viêm khớp có thể trở nên tồi tệ hơn nếu bạn không chú ý tránh tiêu thụ thịt đỏ, rượu bia, muối hay đường… Ảnh: Hogan Chiropractic

3. Axit béo omega-6

Cơ thể dư thừa axit béo không bão hòa đa omega-6 có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm. Các nguồn chất béo omega-6 phổ biến bao gồm đậu nành, ngô, hoa nghệ tây, hướng dương, dầu hạt cải, quả hạch và thịt.

Hãy thử nấu ăn với dầu ô liu, chủ yếu là chất béo không bão hòa đơn, và ăn nhiều cá béo hơn, chẳng hạn như cá hồi, cá ngừ và cá tuyết.

4. Muối

Cơ thể bạn cần natri trong muối cho nhiều chức năng hoạt động, nhưng tiêu thụ quá nhiều muối có thể gây ra vấn đề sức khỏe. Nghiên cứu cho thấy lượng muối ăn vào cao có liên quan đến chứng viêm nhiều hơn và tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp dạng thấp.

Vì vậy, để tốt cho bệnh viêm khớp, hãy tìm những thực phẩm có ít natri và không cho thêm muối. Bạn cũng có thể thử tạo hương vị cho thức ăn của mình bằng các loại thảo mộc và gia vị, chẳng hạn như tiêu xay, lá oregano, thìa là, tỏi băm hoặc bột tỏi hay bột hành. Chúng sẽ làm phong phú hương vị món ăn của bạn theo cách mà muối không thể làm được.

5. Đồ uống có đường

Các nghiên cứu đã chứng minh nạp quá nhiều thực phẩm chứa đường sẽ làm trầm trọng hơn các triệu chứng viêm khớp, cũng như tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh viêm khớp.

Soda, nước ép trái cây, trà ngọt và các loại đồ uống ngọt khác thường chứa một lượng lớn đường. Do đó, bạn nên cố gắng hạn chế tổng lượng đường bổ sung ở mức 9 muỗng cà phê mỗi ngày. Để dễ so sánh, một lon nước ngọt 12 ounce có khoảng 36 g đường, hoặc hơn 8 thìa cà phê.

Hãy thử các phiên bản không đường cho đồ uống có đường yêu thích của bạn hoặc thêm hương vị tự nhiên như chanh tươi hoặc lát chanh vào để khiến nó tốt hơn cho sức khỏe.

6. Đồ chiên rán

Thực phẩm chiên rán thường được nấu trong dầu có nhiều chất béo bão hòa và axit béo omega-6. Cả hai đều có liên quan đến tình trạng viêm nhiễm gia tăng và gia tăng các triệu chứng viêm khớp. Ngoài ra, đồ chiên rán thường có các thành phần khác như bột mì, muối và đường bổ sung, cũng có thể dẫn đến viêm nhiễm.

Hãy thử chuẩn bị bữa ăn ở nhà thường xuyên hơn để bạn có thể kiểm soát những gì có trong thực phẩm. Nên lựa chọn không chiên hoặc nướng thay vì chiên khi chế biến món ăn.

7. Đồ ăn đóng hộp

Bạn không cần phải tránh xa tất cả các loại thực phẩm đóng hộp, chỉ những loại có nhiều đường hoặc muối. Ví dụ, trái cây đóng hộp trong sirô thường có nhiều đường bổ sung, có thể làm tăng tình trạng viêm nhiễm. Hãy tìm trái cây đóng hộp trong nước hoặc nước ép trái cây 100% không thêm đường.

Trong khi đó, muối được sử dụng làm chất bảo quản trong nhiều loại đồ hộp, bao gồm rau, thịt và súp. Hãy tìm những sản phẩm ít natri hoặc không thêm muối. Cố gắng giữ lượng muối tiêu thụ của bạn ở mức 2 g mỗi ngày.

8. Rượu bia

Một số loại rượu, như rượu vang đỏ, có thể có đặc tính chống viêm vì chúng chứa chất chống oxy hóa. Trên thực tế, uống không quá 150 ml rượu vang đỏ mỗi ngày đã được chứng minh là giúp tăng cường sức khỏe khớp.

Đối với các loại viêm khớp khác, như bệnh gout, rượu có thể làm bùng phát bệnh. Các nghiên cứu đã liên kết tất cả các loại rượu với nguy cơ phát triển bệnh gout và các đợt bùng phát bệnh gout thường xuyên hơn.

9. Carbohydrate tinh chế

Khi các loại ngũ cốc được chế biến thành bột trắng hoặc gạo trắng, hầu hết chất xơ và chất dinh dưỡng đều bị loại bỏ. Điều này khiến ngũ cốc trở thành một loại carbohydrate đơn giản, có nhiều khả năng làm tăng lượng đường trong máu của bạn và tăng tình trạng viêm nhiễm.

Vì vậy, để tốt cho viêm khớp, bạn nên ăn các loại carbohydrate phức tạp hơn, như gạo lứt, hạt diêm mạch và ngũ cốc nguyên hạt.

10. Kẹo và đồ tráng miệng

Đường bổ sung, có trong kẹo và đồ tráng miệng, không cung cấp bất kỳ giá trị dinh dưỡng nào. Đây là lý do tại sao chúng thường được gọi là “calo rỗng”. Tệ hơn, chúng có thể làm tăng tình trạng viêm nhiễm.

Hãy hạn chế lượng đường bổ sung của bạn ở mức 9 muỗng cà phê mỗi ngày. Các nguồn thực phẩm phổ biến có thêm đường bao gồm kẹo, món tráng miệng, đồ nướng, kem, đồ ăn nhẹ đã qua chế biến và các loại gia vị như nước sốt cà chua và nước sốt thịt nướng.

11. Đồ chế biến sẵn

Các thực phẩm chế biến sẵn như bữa ăn đông lạnh, đồ nướng, thức ăn nhanh và đồ ăn nhẹ đóng gói thường có carbohydrate tinh chế và thêm đường, muối và chất béo để giúp chúng tồn tại lâu trên kệ hàng và duy trì hương vị. Tất cả những thứ này đều có thể làm tăng tình trạng viêm nhiễm.

Chế độ ăn gồm nhiều đồ chế biến sẵn có liên quan đến việc tăng béo phì và kháng insulin, điều này có thể gián tiếp làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm khớp.

12. Gluten

Gluten là một loại protein trong các loại ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chế độ ăn không có gluten có thể mang lại lợi ích cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp bằng cách giảm viêm.

Các nghiên cứu cũng đã tìm thấy mối liên hệ giữa những người mắc bệnh celiac và viêm khớp dạng thấp. Bệnh celiac là một bệnh tự miễn dịch trong đó gluten gây viêm trong ruột và các nơi khác trong cơ thể.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nhạy cảm với gluten. Bạn có thể thử tránh nó để xem các triệu chứng viêm khớp của bạn có cải thiện không.

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link