Quán bún bò không tên trong con hẻm 7B trên đường Thành Thái (quận 10, TP HCM) bán mỗi tô với giá chỉ từ 10.000 đồng trong suốt 8 năm, mỗi ngày bán 100 tô.
Quán bún bò không tên của bà Vũ Thị Kim Dung (63 tuổi) đã tồn tại được 34 năm với giá cả bình dân. Ngoài bún bò, bà còn bán thêm bún riêu. Cả hai đều chỉ có giá từ 10.000 đồng, giá phổ biến dao động 15.000-20.000 đồng. Quán có diện tích 15 m2, với ba cái bàn con và hơn mười chiếc ghế nhưng lúc nào cũng kín người ngồi.
Bà Dung mở bán từ 8h30, đến 9h30 đã hết sạch hai nồi nước lèo, trong đó nồi nước lèo to bán bún bò, nồi nhỏ hơn cho bún riêu, dung tích mỗi nồi khoảng 10 lít. Bà Dung chia sẻ: “Tôi bán chủ yếu là bún bò, còn bún riêu để dành cho khách ăn đỡ ngán”.
Từ 8h đã có khách quen đến đợi những tô bún nóng hổi của bà Kim Dung. Thực khách đến đây chủ yếu là cư dân trong hẻm, đã gắn bó với quán hơn 30 năm nên hiểu rõ cách buôn bán ở đây. Cụ thể, trước khi bà Dung đem nồi nước lèo ra, thực khách đã tự phục vụ rau, giá tại chiếc bàn con gần đó. Bà chủ vừa bưng hai nồi nước ra đã thấy bàn ghế chật kín khách đợi.
8h30 là khoảng thời gian đông đúc nhất ở quán, hơn mười người cùng thưởng thức món ăn, vài người quây xung quanh đợi mua mang về. Bàn ghế luôn kín khi vừa mở hàng, người đến sau phải đứng đợi một lúc mới có chỗ ngồi.
Bà chủ cho biết mình dậy từ ba giờ sáng để chuẩn bị nguyên liệu như nạm, giò, huyết và bò viên. Chỉ có một mình nên bà chuẩn bị đủ nguyên liệu cho một buổi sáng. Sau đó em gái sẽ phụ giúp bà Kim Dung phục vụ thực khách.
Bún bò và bún riêu của bà Dung nấu theo kiểu miền Nam, nhưng đã được nêm nếm phù hợp khẩu vị ba miền. Nước dùng bún bò được ninh từ ống xương bò trong vòng một tiếng đồng hồ có vị ngọt thanh, nấu cùng xả, khóm. Bún bò của bà Dung đơn giản chỉ có thịt, chả bò viên và giò, bún riêu đầy đủ với chả, đậu hũ, riêu cua và huyết heo. Thực khách được ăn rau sống thoải mái. Trung bình trong một tiếng đồng hồ bà Dung bán được 100 tô cả hai loại.
Những ngày đầu tiên mở quán, giá một tô bún chỉ 2.000 đồng. Sau này tăng dần lên 5.000 đồng, 7.000 đồng, rồi 10.000 đồng như hiện tại. Giá này đã được duy trì từ năm 2015.
Một tô giá 10.000 đồng sẽ có thịt, bò viên và huyết heo, còn 15.000 đồng sẽ có thêm chả cây, tô đắt nhất 20.000 đồng có đầy đủ các nguyên liệu trên ăn cùng giò heo. Lý giải về việc bán rẻ như thế, bà Dung chia sẻ vì khách ở đây chủ yếu là dân lao động, người bán vé số, người già nên bà vẫn muốn giữ mức giá bình dân. “Không phải không có lời, tôi lời ít một chút cũng được. Hiện tại tôi không nghĩ đến chuyện tăng giá”, bà Dung nói.
Hai cha con ông Huỳnh Phúc Sang (55 tuổi) bán vé số cho biết mỗi ngày đều ủng hộ bà Dung hai tô. “Ăn ở đây giúp tôi tiết kiệm tiền. Cô Dung bán ngon, ăn no, đủ cho một buổi đi bán”, ông Sang kể. Với thu nhập mỗi ngày 150.000 – 200.000 đồng, việc tìm được một quán ăn giá cả bình dân giúp cha con ông Sang đỡ đần chi phí. Vì vậy, họ gắn bó với quán bà Dung hơn 20 năm.
Chị Thiều Thị Thắm (50 tuổi, Bình Chánh) đã ăn ở đây từ lúc một tô chỉ có giá 5.000 đồng. Khoảng cách hơn 10 km nhưng chị vẫn duy trì một tuần sang quán bà Kim Dung ủng hộ hai, ba lần nếu đi gom ve chai trong khu vực.
Bà Vũ Thị Kim Phượng kể: “Có nhiều người ở xa, như huyện Bình Chánh, quận Phú Nhuận, nghe tiếng bà Dung bán rẻ cũng sang ăn thử”.
Không chỉ đến đây bởi vì giá thành rẻ, bà Lý Hải (54 tuổi) cho biết bản thân mỗi ngày đều ăn ở đây vì hợp khẩu vị. Không quá cầu kỳ, nhiều thức ăn kèm nhưng tô bún bò của bà Dung luôn giữ được độ ngon từ nước dùng và độ tươi của nguyên liệu chế biến trong ngày.
Bà Hải nói: “Tôi đã ăn những tô bún bò 50.000 đồng nhưng vẫn muốn ăn của bà Dung vì hợp khẩu vị. Tôi đã ăn được hơn 20 năm rồi”. Bà Hải nhận xét tô bún bò luôn rất đậm đà, vừa miệng, cho thấy bà chủ có tâm với món ăn.
Quán mở bán từ 8h30 đến 9h30 hàng ngày, nằm trong hẻm sâu khó tìm. Quán không có chỗ để xe, khách đến chủ động đậu nép vào góc hẻm và tự bảo quản tài sản.
Theo Hạnh Lê (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H