Cá hồi, chocolate đen, cà rốt hay cải bó xôi… là những thực phẩm có khả năng chống viêm, tốt cho sức khỏe.
Cá thu và cá hồi
Cá thu, cá hồi giàu EPA, DHA, có thể kết hợp để chống lại các thành phần gây viêm khác nhau của prostaglandin, leukotrienes, từ đó hạn chế huyết khối và làm giãn mạch máu. Các chất như yếu tố phân giải (Rvs) và yếu tố bảo vệ (PD) được tạo ra từ quá trình chuyển hóa của EPA và DHA cũng có tác dụng kháng viêm, chống sưng tấy.
Hàm lượng EPA và DHA của hai loại cá này cao tới 1.000 mg/100 g. Bạn có thể ăn 100 g cá thu hoặc 150 g cá hồi Na Uy để cung cấp EPA cùng DHA, phát huy tác dụng chống viêm.
Hạt dẻ
Thành phần axit galic trong hạt dẻ có thể phát huy đặc tính chống viêm theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như ức chế hoạt động của các chất trung gian gây viêm, giảm quá trình oxy hóa “cholesterol xấu”, từ đó làm giảm viêm mạch máu và kết tập tiểu cầu.
Hạt dẻ giàu tinh bột nên có thể thay thế một phần lương thực chính. 12 hạt dẻ loại vừa cung cấp lượng calo tương đương một bát cơm 130 g. Do đó, bạn nên kiểm soát lượng ăn để tránh tăng cân.
Chocolate đen
Các thành phần chống viêm trong chocolate đen chủ yếu là axit ferulic, quercetin và catechin. Các thử nghiệm lâm sàng đã phát hiện ra rằng ăn 30-50 g chocolate đen mỗi ngày có thể làm giảm mức độ của các dấu hiệu gây viêm.
Tuy nhiên, năng lượng của chocolate đen quá cao, do đó chỉ nên ăn khoảng 10 g mỗi ngày.
Bánh mì nguyên cám
Bánh mì nguyên cám chứa thành phần chống viêm axit ferulic, vì thế đây là lựa chọn hoàn hảo để hạn chế tình trạng viêm nhiễm. Tuy nhiên, bạn nên chọn bánh mì 100% làm từ bột nguyên cám, không đường và không béo để đảm bảo tốt cho sức khỏe. Khi mua, nên kiểm tra xem bánh có chứa đường không, ngoài ra thành phần chất béo trong bảng thông tin dinh dưỡng tốt nhất là 5 g trên 100 g.
Cà rốt
Thành phần chống viêm trong cà rốt là β-caroten. Bạn có thể ăn sống hoặc nấu chín cà rốt, tuy nhiên, ăn sống sẽ giúp hấp thu được nhiều β-caroten hơn.
Quả hồ đào
Catechin trong quả hồ đào có tác dụng chống viêm. Tuy nhiên, năng lượng của hồ đào quá cao trong số các loại hạt, vì vậy chỉ cần ăn ba hoặc bốn quả mỗi ngày là đủ.
Rau bina (cải bó xôi)
Cải bó xôi giàu β-caroten, có tác dụng chống viêm. Tuy nhiên, cải bó xôi cũng chứa thành phần axit oxalic, có thể gây cản trở đến sự hấp thụ canxi của cơ thể. Vì thế, nên đun sôi loại rau này một phút trước khi sử dụng.
Quả mận
Thành phần catechin, một loại phenol tự nhiên và chất chống oxy hóa, trong quả mận có tác dụng kháng viêm, là gợi ý phù hợp để cho vào thực đơn ăn uống của bạn. Tuy nhiên, nên lưu ý chọn loại có vỏ màu đỏ sẫm và ăn cả vỏ để hấp thu hết dinh dưỡng từ loại quả này.
Cà chua
Lycopene là thành phần chống viêm trong cà chua. Cà chua càng chín, hàm lượng lycopene càng cao. Bạn có thể ăn sống hoặc nấu chín cà chua. Chất lycopene trong loại quả này vẫn còn khá cao dù bị đun nóng.
Sữa đậu nành
Sữa đậu này chứa genistein, một loại isoflavone có tác dụng chống viêm và oxy hóa mạnh mẽ. 25 g đậu nành khô tương đương với 365 ml sữa đậu nành. Nếu bạn muốn thu được nhiều isoflavone trong đậu nành, tốt nhất nên làm sữa đậu nành bằng đậu khô.
Dầu ô liu nguyên chất
Thành phần chống viêm chính trong dầu ô liu là aldehyde. Bạn có chế biến các món hấp, luộc, hầm, chiên hoăc xào với dầu ô liu nguyên chất. Axit oleic, axit béo trong dầu ô liu đã được chứng minh là làm giảm các dấu hiệu viêm như protein phản ứng C. Mỗi ngày, bạn nên ăn 25-30 g dầu ăn, trong đó dầu ô liu có thể chiếm đến một nửa.
Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H