Bác sĩ Xiao Jiejian khuyến khích bổ sung nhiều chất xơ trong bữa ăn hàng ngày, bao gồm cả chất xơ hòa tan lẫn không hòa tan, nhờ đó cải thiện trao đổi chất, thúc đẩy quá trình giảm mỡ.

Xiao Jiejian từng tốt nghiệp Y khoa Đại học Yang Ming, hiện công tác trong lĩnh vực kiểm soát cân nặng, béo phì tại một phòng khám ở Đài Loan. Nam bác sĩ cho biết một nghiên cứu của Mỹ được công bố đã chỉ ra rằng những bệnh nhân ăn 10 g chất xơ hòa tan mỗi ngày có ít hơn 7,4% chất béo nội tạng so với nhóm những người không ăn. Chỉ số mỡ dưới da của nhóm ăn nhiều chất xơ hòa tan cũng ít hơn nhóm còn lại 3,6%. Một nghiên cứu khác của New Zealand cũng phát hiện ra rằng việc thêm 10 g chất xơ hòa tan vào bữa ăn có thể làm giảm đến 35% lượng đường trong máu sau bữa ăn của các đối tượng tham gia khảo sát.

Chất xơ hòa tan là chất có thể hấp thụ nước tạo thành dạng gel khi trong đường tiêu hóa; đặc điểm của chất xơ hòa tan là mềm và dính. Loại chất xơ này giúp làm mềm chất thải, nhờ đó hỗ trợ đường ruột, hệ tiêu hóa đào thải cặn bã ra bên ngoài trơn tru, dễ dàng hơn.

Các loại hạt đậu thường có tỷ lệ chất xơ hòa tan lý tưởng.

Các loại hạt đậu thường có tỷ lệ chất xơ hòa tan lý tưởng.

Chất xơ hòa tan khi kết hợp với các chất khác trong cơ thể như đường sẽ giúp cản trở hoặc làm chậm quá trình hấp thụ những chất này vào máu, nhờ đó điều hòa, ổn định đường huyết. Chất xơ hòa tan còn có thể làm giảm sự hấp thụ cholesterol, từ đó giảm tích tụ mỡ nội tạng.

Bổ sung chất xơ hòa tan trong bữa ăn giúp cơ thể no lâu hơn đồng thời có tác dụng kìm hãm cơn đói, hạn chế thèm ăn hiệu quả. Lượng thực phẩm nạp vào cơ thể nhờ đó cũng được kiểm soát.

Chất xơ hòa tan có nhiều trong các loại trái cây họ cam quýt, rau lá. Đặc biệt là các loại rau lá có độ nhớt cao như mồng tơi, rau đay, đậu bắp… Lúa mạch, các loại hạt đậu, quả bơ, táo cũng có nhiều chất xơ hòa tan.

Tuy nhiên, bác sĩ Xiao Jiejian cho rằng điều này không có nghĩa chất xơ không hòa tan không tốt. Thay vì chỉ tiêu thụ chất xơ hòa tan, nên cân bằng các nhóm dinh dưỡng. Chất xơ không hòa tan là loại chất xơ không bị phá vỡ bởi vi khuẩn đường ruột, đồng thời không được hấp thụ vào máu. Loại chất xơ này thường có nhiều trong ngũ cốc nguyên hạt, bông cải xanh, đậu Hà Lan, các loại hạt như hạnh nhân, hạt chia…

Một loại thực phẩm có thể tồn tại cả hai loại chất xơ hòa tan và không hòa tan nhưng khác nhau về tỷ lệ.

Một loại thực phẩm có thể tồn tại cả hai loại chất xơ hòa tan và không hòa tan nhưng khác nhau về tỷ lệ.

Để có đủ chất xơ cần thiết cho cơ thể, bác sĩ khuyên mỗi bữa nên ăn ít nhất một bát cơm gạo lứt hoặc loại ngũ cốc nguyên cám, hai bát rau cùng một bát trái cây (ước tính khoảng 12 g chất xơ). Thiết lập thói quen này giúp cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa, đốt cháy và hạn chế tích tụ mỡ nội tạng, mỡ dưới da.

Theo Duk Sun (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link