Chế độ ăn kiêng thấp calo được cho là sẽ giúp bệnh nhân tiểu đường type 2 đảo ngược tình trạng của mình. Tuy nhiên phải đến nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học mới giải thích được điều đó một cách cặn kẽ nhất.
Sau nhiều thí nghiệm trên chuột, họ đã tìm ra 3 cơ chế chuyển hóa trong gan, mà qua đó, ăn kiêng thấp calo giúp mức đường huyết của chúng hạ xuống chỉ sau 3 ngày.
Nếu những cơ chế này được xác nhận là cũng hoạt động trên người, hàng triệu bệnh nhân tiểu đường type 2 sẽ có thêm hi vọng mới, nhằm chữa trị căn bệnh của mình chỉ bằng chế độ ăn uống.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Y tế Howard Hughes, Mỹ. Trong đó, nhóm nghiên cứu đã cho những con chuột mắc tiểu đường type 2 ăn một chế độ thấp calo (VLCD). Kết quả là lượng đường trong máu của chúng đã giảm xuống nhanh chóng chỉ sau 3 ngày.
Hiệu ứng quan sát được này không bất ngờ và có thể dự đoán trước. Nhưng điều tuyệt vời mà các nhà khoa học đã làm được là họ đã đưa ra lời giải thích chi tiết về điều đó.
“Sử dụng chế độ ăn này để khảo sát toàn diện cơ chế chuyển hóa chất béo và carbohydrate ở gan, chúng tôi đã chỉ ra rằng hiệu quả của nó là sự kết hợp của ba cơ chế, chịu trách nhiệm cho sự đảo ngược nhanh chóng tình trạng đường huyết cao”, nhà nghiên cứu Gerald I. Shulman từ Viện Y tế Howard Hughes ở Maryland cho biết.
Ba cơ chế gan bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn kiêng là: sự chuyển đổi axit lactate và amino thành glucose, chuyển đổi glycogen dự trữ trong gan thành glucose, và sự giảm hàm lượng chất béo. Tất cả đều góp phần cải thiện đáp ứng của gan đối với insulin.
Sự đáp ứng này là rất quan trọng. Bởi khi cơ thể không thể sản sinh ra đủ insulin, hoặc trở nên đề kháng với nó, bệnh tiểu đường type 2 sẽ tấn công người bệnh. Nếu đáp ứng insulin có thể được tăng cường trở lại, dĩ nhiên bệnh tiểu đường sẽ được đảo ngược.
Nhìn chung, nghiên cứu mới đã chỉ ra chế độ ăn kiêng thấp calo đã nhắm vào 3 nguyên nhân gây ra mức glucose cao. Tình trạng tiểu đường ở những con chuột được cải thiện chỉ sau 3 ngày áp dụng chế độ ăn, trong khi, trọng lượng cơ thể của chúng không bị ảnh hưởng trong suốt quá trình nghiên cứu.
Cũng phải nói rằng, đây không phải là lần đầu tiên chế độ ăn kiêng thấp calo được liên kết với việc đảo ngược bệnh tiểu đường type 2. Nhiều nghiên cứu đã quan sát được hiệu ứng có ích của chế độ ăn này đối với bệnh tiểu đường. Nhưng điều cần làm thêm là giải thích được các cơ chế phía sau đã gây ra tác dụng.
Một nghiên cứu năm 2015 chỉ ra chỉ cần giảm khoảng 1 gram chất béo trong tuyến tụy – thông qua chế độ ăn kiêng thấp calo hoặc qua phẫu thuật – sự đáp ứng insulin của người bệnh tiểu đường có thể được khôi phục. Tuy nhiên, nghiên cứu này có điểm yếu, đó là nó chỉ được thực hiện trên 18 người, một mẫu quá nhỏ để đưa ra kết luận cuối cùng.
Bên cạnh đó, đầu năm nay, một nghiên cứu trên chuột cũng đã phát hiện ra rằng chế độ nhịn ăn cách quãng cũng có thể khôi phục các cơ chế sinh học bị sai lạc, thứ mà đã gây ra bệnh tiểu đường type 2.
Tất cả các nghiên cứu này đều rất hứa hẹn. Nhưng chúng ta vẫn còn đang ở trong giai đoạn thu thập dữ liệu – các thí nghiệm đã hoặc đang được thực hiện trên động vật hoặc trên người nhưng quy mô mẫu còn nhỏ – nên chưa thể đưa ra kết luận khẳng định.
Bây giờ, nghiên cứu mới đã đưa ra một lời khẳng định rằng chế độ ăn kiêng thấp calo có tác dụng trên chuột theo 3 cơ chế. Nếu các thí nghiệm được chuyển dịch sang người và cho kết quả tương tự, nó sẽ là một niềm hi vọng mới cho bệnh nhân tiểu đường.
Tiểu đường đang trở thành một “đại dịch” trên toàn cầu. Riêng ở Hoa Kỳ, căn bệnh mạn tính này dự kiến sẽ ảnh hưởng đến một phần ba dân số vào năm 2050. Ngay cả những nước đang phát triển cũng phải đối mặt với cơn khủng hoảng tương tự.
Chế độ ăn kiêng thấp calo là một hình thức ăn kiêng chỉ nên được thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Nó đòi hỏi người tham gia chỉ được ăn mức dưới 800 kcal một ngày. Trong so sánh, một người người bình thường sẽ ăn khoảng 2.000 kcal/ngày.
Bởi lượng calo được cắt giảm, chế độ ăn này dễ gây ra tình trạng suy dinh dưỡng, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngay cả khi được chứng minh là có ích với bệnh tiểu đường, những ai muốn thực hiện biện pháp này để đảo ngược tình trạng của mình cũng phải hết sức cân nhắc.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Metabolism.
Tham khảo ScienceAlert