Thần tượng những người nổi tiếng có vóc dáng mảnh mai và ủng hộ chứng biếng ăn, nhiều cô gái Hàn Quốc liên tục nhịn, ăn kiêng để càng gầy càng tốt.

Thân hình gầy gò, da bọc xương là “lý tưởng” với nhiều cô gái Hàn Quốc. Ảnh minh họa: Choi So Ra.

Jang Won Young, thành viên nhóm nhạc IVE, là một trong những ngôi sao Kpop hot nhất hiện nay. Dáng người cao, mảnh khảnh của Jang là chủ đề bàn tán và ghen tị thường xuyên của nhiều người hâm mộ trên mạng.

Thậm chí, có những thanh thiếu niên tuyên bố đang bỏ đói bản thân để có được vẻ ngoài như nữ ca sĩ, theo Korea JoongAng Daily.

Lee Yu Jin (12 tuổi), học sinh lớp 6 sống ở Hwaseong, Gyeonggi, cao 1,45 m nhưng chỉ nặng 30 kg. Dù đã gầy hơn bạn bè cùng lứa, Lee vẫn ăn kiêng hơn một năm nay. Mục tiêu của em là có vẻ ngoài giống Jang.

Mỗi ngày, Lee chỉ ăn 2 bữa, mỗi bữa chỉ 2 thìa cơm. Một bữa có thể bao gồm một phần nhỏ ức gà và salad.

“Tôi đã cố nói với con bé rằng nó cần tập thể dục và ăn uống điều độ nếu muốn giống như Jang nhưng không được. Tôi không thể ép nó ăn”, mẹ Lee cho biết.

Thần tượng thân hình siêu gầy

Số lượng thanh thiếu niên Hàn Quốc mắc chứng rối loạn ăn uống trong những năm gần đây tăng lên đáng kể. Theo cơ quan Kiểm soát và Đánh giá Bảo hiểm Sức khỏe Hàn Quốc đầu tháng 2, số bệnh nhân đến bệnh viện do chứng chán ăn đã tăng 30% trong 5 năm, từ 1.661 người năm 2017 lên 2.201 người vào năm 2021.

Năm 2021, 1.648 người mắc chứng chán ăn, tương đương 75%, là phụ nữ; trong đó thanh thiếu niên chiếm đa số với 25%, tương đương 418 người.

Trong 5 năm qua, ngoại trừ những người cao tuổi từ 70 trở lên, các cô gái tuổi teen là nhóm lớn nhất được điều trị chứng chán ăn.

giam can Han Quoc anh 1

Jang (giữa) thường xuyên được chia sẻ hình ảnh trên các diễn đàn vì thân hình gầy.

Trên mạng xã hội, “pro-ana” là từ kết hợp của “pro”, nghĩa là ủng hộ và “ana” là viết tắt của từ tiếng Anh “anorexia” (chứng biếng ăn) – hội chứng rối loạn ăn uống nguy hiểm. Tại các diễn đàn, những người tự mô tả mình là pro-ana sử dụng các cụm từ như “thân hình gầy trơ xương”, “ăn và nôn ra” hay “cân nặng mục tiêu”.

Cộng đồng pro-ana trên Internet chia sẻ cho nhau các mẹo giảm nhiều cân hơn, đăng tải thân hình “mục tiêu” của mình.

Những người dùng trực tuyến đăng bài trên Twitter, gắn các hashtag như #Proana, #ProanaGoals #ProanaTips kèm các bức ảnh cơ thể thiếu cân đến mức lộ xương hoặc những người nổi tiếng có kiểu cơ thể gầy. Jang là một trong số những ngôi sao hay được chia sẻ ảnh kiểu này.

Một số người thậm chí đăng ảnh chụp phần đùi của mình, so sánh kích cỡ với bề rộng một lon nước tăng lực.

“Nếu bạn bỏ đói bản thân trong một ngày giảm 0,5 kg, hai ngày giảm 1 kg, một tuần giảm 3,5 kg, hai tuần giảm 7 kg, một tháng sẽ là 15 kg và 2 tháng là 30 kg”, một bài đăng trên Twitter viết.

Cộng đồng pro-ana còn có các phòng trò chuyện ẩn danh trên KakaoTalk, nơi hàng chục người tụ tập cùng nói về những điều như “nhịn ăn trong 11 ngày” và “hãy cẩn thận khi ăn, đừng để đầy miệng”. Khi chia sẻ câu chuyện việc bị cha mẹ, bạn bè thúc giục ăn, họ coi đó là hành động “đau khổ”.

giam can Han Quoc anh 2

Nhiều YouTuber chia sẻ clip giảm cân cực đoan hoặc khoe thân hình siêu gầy.

Những người này còn thường xuyên đăng thông tin về các bệnh viện kê thuốc ức chế sự thèm ăn. Trong cộng đồng pro-ana, các thành viên đặt mục tiêu chênh lệch chiều cao và cân nặng trong khoảng 130 đến 125. Nói cách khác, một người cao 165 cm thì nặng khoảng 35-40 kg sẽ là “lý tưởng”.

Các vlog về ppyeomalla, một từ ghép của ppyeo (xương) và malla (mảnh mai) để chỉ những cơ thể gầy đến da bọc xương, đang được tải lên YouTube. Chủ những video này cũng chia sẻ quá trình và cách mình giảm số cân nặng khủng khiếp như vậy.

Một YouTuber tự nhận mình cao 1,64 m đã đăng một vlog về việc giảm 4 kg, nhằm đạt 40 kg chỉ sau một tuần. Sau khi chỉ uống trà hoặc cà phê đá trong 3 ngày, cuối cùng cô mới ăn 2 hạt hạnh nhân vào ngày thứ tư.

Nguy hiểm

Một cô gái 14 tuổi (giấu tên) cho biết bản thân cao 1,60 m và nặng 42 kg, nhưng mục tiêu của cô là chỉ nặng 32 kg. Dù thừa nhận phải nhập viện thường xuyên, cô vẫn ghét tăng cân đến mức không ăn bất cứ thứ gì trừ nước.

Một nữ sinh 15 tuổi khác cho biết mình “không ăn cũng không sao” và “muốn giảm cân đến khi chỉ còn da bọc xương”.

Vì nhiều người không đến bệnh viện điều trị, các chuyên gia ước tính có nhiều bệnh nhân hơn so với con số thống kê.

“Những đứa trẻ này bị ám ảnh bởi việc tăng dù chỉ 1 kg nên gặp những dấu hiệu bất thường về thể chất như kinh nguyệt không đều, rụng tóc nhiều, da khô hơn. Các triệu chứng rối loạn ăn uống có thể dẫn tới bệnh nguy hiểm đến tính mạng”, Hong Hyun Ju, giáo sư tâm thần học trẻ em và thanh thiếu niên tại Bệnh viện Thánh Tâm Đại học Hallym, cho biết.

Các chuyên gia cho rằng đây là lỗi của “xã hội ngày nay”, khi các phương tiện truyền thông đã tạo ra một môi trường nơi những thân hình mảnh mai được ưa chuộng và được cho là hấp dẫn hơn.

Lối sống tự hủy hoại

Một nữ sinh cấp 2 cao 1, 60 m và nặng 34 kg cho biết đang ăn kiêng để đạt được mốc 29 kg và cảm thấy ghen tỵ với những người gầy bởi “bây giờ ngay cả cân nặng trung bình cũng bị coi là mũm mĩm”.

Một nữ sinh 16 tuổi khác đang điều trị chứng rối loạn ăn uống từ tháng 10/2022 cho biết: “Xã hội thích thân hình mảnh mai, và ngay cả những người nổi tiếng cũng rất gầy, đó là lý do tôi thần tượng họ”.

“Xã hội đã tối đa hóa sự cạnh tranh khiến thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi những gì người khác nói về cơ thể của họ, khiến họ nghiện những chế độ ăn kiêng có hại này.

giam can Han Quoc anh 3

Những bài đăng thần tượng thân hình siêu gầy được nhiều người chia sẻ ở Hàn Quốc.

Trường học cần giáo dục các em ngay từ khi còn nhỏ về chế độ ăn uống lành mạnh và dinh dưỡng cũng như học cách cảm thấy thoải mái với cơ thể của chính mình.

Xã hội nói chung cần tạo ra một không gian, nơi mọi người không bình luận về hình thức bên ngoài của người khác”, Oh Sang Woo, giáo sư y học gia đình tại Bệnh viện Ilsan thuộc Đại học Dongguk, nhận định.

Kim Yul Li, giáo sư sức khỏe tâm thần tại Bệnh viện Đại học Inje Seoul Paik giải thích rằng chứng rối loạn ăn uống ở tuổi vị thành niên gây thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết cho não và dẫn đến tử vong trong trường hợp nghiêm trọng.

“Vương quốc Anh ghi nhận 2,5 triệu bệnh nhân mắc chứng rối loạn ăn uống nhưng Hàn Quốc không có nhiều dữ liệu liên quan. Hàn Quốc cần coi chứng rối loạn ăn uống là vấn đề nghiêm trọng, nghiên cứu một cách có hệ thống cách giải quyết”, giáo sư Kim nói.

Theo Mai An (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link