Một khi chậm kinh thì lý do đầu tiên cần cân nhắc đó là khả năng mang thai. Nếu không phải rơi vào trường hợp này thì hai nguyên nhân tiếp theo có thể là do sử dụng thuốc ngừa thai (birth control pill) hoặc bạn đang bước vào giai đoạn mãn kinh.
Ngoài các nguyên nhân trên thì còn có rất nhiều tác động khác ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt, chẳng hạn như sức khỏe, lối sống và yếu tố môi trường mà bạn không thể xem nhẹ.
Sự vắng mặt không bình thường của kinh nguyệt thường được gọi là chứng mất kinh (amenorrhea) và có thể được định nghĩa như sau:
- Metrorrhagia (Rong huyết): Hiện tượng chảy máu kéo dài trên 7 ngày, không có chu kỳ.
- Oligomenorrhea (Kinh nguyệt không đều/kinh thưa): Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn 35 ngày.
- Polymenorrhea (Kinh mau): Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài ít hơn 21 ngày.
Dưới đây là 10 nguyên nhân phổ biến dẫn tới kinh nguyệt không đều hoặc rối loạn kinh nguyệt.
1. Căng thẳng quá mức
Mức độ căng thẳng có thể tác động tới chu kỳ kinh nguyệt. Nếu trải qua trạng thái stress cao độ, những ngày “đèn đỏ” của bạn sẽ bị rối loạn nghiêm trọng.
Khi cơ thể quá “bận rộn” với việc kiểm soát căng thẳng, bộ não ngay lập tức sẽ tạm dừng việc sản xuất ra estrogen và các hormone tái tạo khác cần thiết cho quá trình rụng trứng. Mục đích của cơ chế này là nhằm ngăn chặn hoạt động tái tạo trong điều kiện nguy hiểm cũng như dự trữ năng lượng. Tuy nhiên, nó cũng khiến cho kỳ kinh nguyệt của bạn diễn ra không đều đặn.
Một nghiên cứu xuất bản trên Tạp chí Nghiên cứu Chẩn Đoán và Lâm sàng (Clinical & Diagnostic Research) báo cáo rằng mức độ căng thẳng cao có liên quan tới sự bất bình thường của chu kỳ kinh nguyệt chứ không tác động đến khoảng thời gian, lượng máu chảy ra hay đau bụng dưới (dysmenorrhea). Nghiên cứu tại một thời điểm này (cross-sectional study) được thực hiện với sự tham gia của 100 nữ sinh trường Y.
Do vậy, giải pháp ở đây là thư giãn sau giờ làm, đồng thời dành thời gian để tâm trí và cơ thể được nghỉ ngơi. Bạn có thể tập yoga, tắm nước nóng hoặc đọc sách.
2. Tập luyện quá sức
Mặc dù tập thể dục đều đặn rất tốt cho sức khỏe nhưng tập quá sức có thể không tốt cho phụ nữ, đặc biệt là với những nữ vận động viên. Thực tế, thói quen này là một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn tới sự biến mất bất thường của kinh nguyệt.
Giống như các hormone căng thẳng khác, cortisol cũng sẽ được giải phóng khi chúng ta ráng sức tập luyện, kéo theo năng lượng cơ thể sẽ được giải phóng hết để điều chỉnh các hormone tình dục.
Một nghiên cứu vào năm 2008 được xuất bản trên Tạp chí thường niên của Viện Khoa học New York cho thấy chứng mất kinh do tác động của tập luyện có khả năng là một chỉ báo của hiện tượng năng lượng bị cạn kiệt, mất cân bằng năng lượng dẫn tới rối loạn ăn uống và bệnh loãng xương.
Nếu rơi vào trường hợp này thì lời khuyên dành cho bạn là hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể và điều chỉnh chế độ tập luyện một cách khoa học.
3. Hàm lượng chất béo trong cơ thể quá thấp
Khi chỉ số BMI (Body Mass Index) giảm xuống dưới 18 hoặc 19 thì có khả năng cơ thể bạn có quá ít chất béo. Tình trạng này sẽ khiến cho nhiều chức năng liên quan đến các hormone bị đình trệ, rối loạn kinh nguyệt và tác động tới chu kỳ kinh.
Lượng mỡ trong cơ thể đóng vai trò quan trọng cho việc tạo ra hormone estrogen. Khi nó quá thấp, bạn có thể sẽ bị loãng xương, kinh nguyệt không đều và trải qua một số triệu chứng nghiêm trọng hơn như chán ăn (anorexia) và cuồng ăn vô độ (bulimia).
Theo các chuyên gia, lượng mỡ trong cơ thể nên được duy trì từ 17 đến 22% đủ để đảm bảo chức năng kinh nguyệt được hoạt động bình thường. Do vậy, nếu đang có ý định giảm cân hoặc bắt đầu một chế độ tập luyện thì tốt nhất là bạn nên đến gặp bác sĩ.
4. Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic Ovarian Syndrome – PCOS)
Polycystic Ovarian Syndrome là sự mất cân bằng hormone trong cơ thể phụ nữ, có tác động tới quá trình rụng trứng, dẫn tới kinh nguyệt không đều. Những dấu hiệu khác của PCOS bao gồm mụn trứng cá, tóc phát triển và tăng cân bất bình thường.
Ngoài gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt và vô sinh, PCOS còn tăng rủi ro mắc bệnh tim và tiểu đường.
5. Rối loạn tuyến giáp
Bất kỳ một rối loạn hoạt động nào của tuyến giáp, cho dù đó là tuyến giáp hoạt động “quá mức” (hyperthyroidism) hoặc kém hoạt động (hypothyroidism) đều có thể gây ra sự bất bình thường của chu kỳ kinh nguyệt.
Tuyến giáp chịu trách nhiệm sản sinh ra các hormone giúp duy trì hoạt động trao đổi chất của cơ thể và ảnh hưởng tới nhiều hormone sinh dục khác. Những sự thay đổi trong hormone estrogen và cortisol đều sẽ làm trình đệ quá trình rụng trứng – điều mà sẽ tác động trở lại đối với kỳ kinh nguyệt.
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 1999 ở Mexico và được xuất bản trên Tạp chí Ginecología y obstetricia (Tạp chí phụ sản khoa) chỉ ra rằng hyperthyroidism là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới hiện tượng chậm kinh ở nữ giới.
Một nghiên cứu khác vào năm 2016 xuất bản trên Tạp chí Phụ sản khoa của Ấn Độ báo cáo về việc rối loạn chức năng tuyến giáp là bệnh lý dẫn tới sự không bình thường của kinh nguyệt. Nghiên cứu nhấn mạnh tới điều này để tránh những sự can thiệp không cần thiết như cắt bỏ tử cung hay nạo thai.
6. Uống quá nhiều rượu, bia
Theo Viện Quốc gia về Lạm dụng rượu và chứng nghiện rượu thì uống nhiều rượu có thể dẫn tới kinh nguyệt không đều và vô sinh.
Các chất độc hại trong rượu có thể khiến các mô tế bào bị phá hủy vĩnh viễn và hủy hoại sự cân bằng của các hormone giúp duy trì sự đều đặn của chu kỳ kinh nguyệt.
Ngoài ra, uống nhiều rượu còn khiến phụ nữ mất tỉnh táo và giảm khả năng sinh được những đứa con khỏe mạnh.
7. Hút thuốc lá
Dù là đàn ông hay phụ nữ thì hút thuốc là đều không hề có lợi gì đối với sức khỏe.
Thực tế, phụ nữ hút thuốc sẽ làm tăng nguy cơ khiến kinh nguyệt không đều do thói quen này làm thay đổi mức độ estrogen, progesterone, testoterone và các hormone khác liên quan tới sự vận hành ổn định của kỳ kinh nguyệt.
8. Chế độ ăn nghèo nàn
Ăn uống đủ chất dinh dưỡng không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn đóng vai trò quan trọng giúp duy trì sự ổn định của kinh nguyệt.
Một chế độ ăn thiếu chất dinh dưỡng, các chất chống oxy hóa và thực phẩm giàu probiotic sẽ tác động tới các tuyến thượng thận, gây ra những thay đổi đáng kể tới các hormone cũng như chậm kinh.
Ngoài ra, ăn quá nhiều chất xơ cũng sẽ khiến cho estrogen trong cơ thể giảm và kinh nguyệt không đều đặn.
9. Hít phải quá nhiều mùi thuốc trừ sâu
Khi xâm nhập vào cơ thể, mùi thuốc trừ sâu sẽ tác động xấu tới các hormone, khiến cho tuyến nội tiết không hoạt động đúng chức năng của nó.
10. Làm theo ca
Nếu công việc của bạn theo ca thì khả năng cao rằng bạn sẽ trải qua hiện tượng kinh nguyệt không đều đặn. Giờ làm và ca càng thay đổi bất thường thì nguy cơ gặp phải vấn đề này càng lớn.
Làm theo ca sẽ tác động tới nhịp điệu sinh học của cơ thể, bao gồm cả chu kỳ kinh nguyệt.
Vào năm 2011, Tạp chí Dịch tễ học đã từng đăng tải một bào báo công bố một nghiên cứu được các chuyên gia phân tích trên hơn 71.000 y tá ở Mỹ và nhận thấy rằng những người làm việc theo ca có nhiều khả năng chậm kinh/kinh nguyệt bất thường hơn so với những người khác.
Ngoài ra, phụ nữ làm ca đêm cũng thường gặp khó khăn hơn khi thụ thai.