Khi đọc cuốn Sổ hướng dẫn về 4.000 loại thuốc hữu ích, vô ích hoặc nguy hiểm của hai GS người Pháp, Philippe Even và Bernard Debré, nhiều người sẽ phải giật mình, ân hận vì sự thiếu hiểu biết và “ẩu tả” của mình.
T
rong cuốn sách ấy, 2 vị giáo sư cho biết rằng, trên thực tế chỉ có khoảng 25% các loại thuốc đang lưu hành rộng rãi trên thị trường là thực sự “có ích”, còn lại 75% là có hại hoặc tốt lắm thì… vô ích và vô hại!
Cụ thể hơn, với những phân tích từ dữ kiện lấy trong thực tế, các tác giả chỉ ra rằng, có tới 1/3 số thuốc kê đơn cho người bệnh tại Pháp hiện nay là không có hiệu quả, 1/4 bị kê “quá đáng”, và đặc biệt là có tới 5% có nguy cơ gây hại cho sức khỏe hơn là chữa bệnh. Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự lạm dụng thuốc ở mức rất phổ biến như vậy là do việc kê toa của các bác sĩ. Cũng tương tự như Việt Nam, nhiều bác sĩ ở Pháp – vì những lý do khác nhau nhưng đều có xuất phát điểm từ vấn đề vụ lợi cá nhân, đã kê toa theo “hoa hồng” của các hãng dược, hoặc nhằm phục vụ lợi ích cho các tiệm thuốc “sân sau” của mình.
Rất nhiều trường hợp người bệnh chỉ bị bệnh ở mức độ nhẹ, nhưng lại được kê toa rất nặng, chưa nói đến việc kê thêm nhiều loại thuốc “vô thưởng vô phạt” nhưng giá cả lại rất đắt đỏ.
Sự thiếu cân nhắc trong việc cho phép lưu hành rộng rãi của cơ quan quản lý, cũng như chỉ định thuốc chữa bệnh của các bác sĩ, cũng khá phổ biến. Nhiều loại thuốc dùng để chữa trị các bệnh phổ thông như cảm, ngạt mũi có chứa những thành phần rất độc hại vẫn được bán tràn lan ở các hiệu thuốc và được nhiều bác sĩ “tin dùng”. Ví dụ như loại thuốc chống nghẹt mũi đang bán rộng rãi ở Pháp có chứa thành phần pseudoephedrine rất độc, tác dụng phụ của nó là có thể gây trụy tim mạch rất nguy hiểm.
Cũng có một số loại thuốc vì bác sĩ thấy nguy hiểm nên đã “tự giác” ngưng kê đơn, nhưng lại vẫn được bán tự do ngoài thị trường. Ví dụ như tại Việt Nam là thuốc Salbutamol dùng để điều trị hen phế quản, nhưng tác hại của nó thế nào thì hẳn nhiều người đã biết qua câu chuyện về “chất tạo nạc” trong chăn nuôi heo. Loại thuốc này có thể mua thoải mái ở các tiệm thuốc tây!
Hai tác giả của cuốn sách đã hệ thống hóa tình trạng lạm dụng thuốc, từ đó chỉ ta những lĩnh vực chữa trị đang bị dùng thuốc kiểu kém hiệu quả nhất: Đứng đầu là tai – mũi – họng với tỉ lệ “không hiệu quả” lên đến 78%; kế đến là dạ dày – ruột với 62% và phổi lên đến 59% (chưa tính các bệnh ung thư và viêm phổi).
Đặc biệt, với loại thuốc trị bệnh mất trí nhớ Alzheimer, 2 vị bác sĩ khẳng định loại thuốc này hoàn toàn không hiệu quả, thậm chí còn gây nguy hiểm cho tim mạch. Thế mà chúng rất đắt tiền và còn được bảo hiểm bồi hoàn 100% (!). Các GS này cũng khuyến nghị nên rút 50 loại thuốc trị ho, 22 trong số 23 loại thuốc làm tiêu niêm dịch trong điều trị hen phế quản ra khỏi thị trường, vì chúng hoàn toàn không có tác dụng. Họ cũng cảnh báo về tình trạng các hãng dược “thổi phồng, bóp méo thông tin” bằng cách khuếch đại những nỗi sợ hãi về bệnh tật trong dân chúng, đồng thời “ca tụng quá mức, thậm chí sai sự thật” về tác dụng của các loại thuốc do họ sản xuất và phân phối ra thị trường.
“Khi người ta muốn tự chữa bệnh bằng cách tra cứu thông tin về thuốc điều trị trên mạng Internet thì thật là tai họa. Bởi rất khó để kiểm tra nguồn gốc và tính hiệu quả của thuốc trên Internet, khi bất kỳ ai cũng có thể viết bất cứ điều gì trên mạng, kể cả các hãng dược cũng có thể làm điều đó để “ca tụng” các loại thuốc của mình. Người dân Pháp đang phải tiêu tốn 10 – 12 tỉ euro mỗi năm mà không được gì cả” – các tác giả của cuốn sách khẳng định.
Họ cũng chỉ ra “cơ chế” phổ biến để nhiều loại thuốc được bán rộng rãi trên thị trường, đó là “vận động hành lang”. “Ở Pháp cũng như trên thế giới, các nhóm vận động hành lang của ngành dược có sức mạnh ghê gớm. Nó cực kỳ hiệu quả!”, tác giả cuốn sách nhận định. Nhìn chung, cuốn sách đã khẳng định mạnh mẽ rằng, thuốc chữa bệnh không phải là một sản phẩm tiêu dùng như các thứ thông thường khác. Vì thế, khi sử dụng nó thì cần phải thận trọng, trên cơ sở hiểu biết và tuyệt đối không được lạm dụng!