Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong những bệnh ung thư ở nam giới. Ở Việt Nam theo số liệu ghi nhận tại một số vùng, ung thư phổi đứng hàng đầu và chiếm tới 20% tổng số các loại ung thư.
Đứng đầu về bệnh ung thư
Mỗi năm, cả nước có hơn 20.000 bệnh nhân ung thư phổi mới được phát hiện và có tới 17.000 trường hợp tử vong. Bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi bị tử vong chỉ xếp sau ung thư gan.
Phần lớn bệnh nhân ung thư phổi ở Việt Nam được phát hiện ở giai đoạn muộn, không còn khả năng điều trị triệt để. Chỉ 10-20% số ca bệnh được phát hiện khi còn có khả năng cắt bỏ khối u. Trong số các trường hợp ung thư phổi nhập viện, 62,5% không còn khả năng phẫu thuật.
Thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. 80% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá. Mặc dù còn 4% bệnh nhân bị ung thư phổi mà không hút thuốc nhưng họ bị hút thuốc thụ động, nghĩa là thường xuyên hít phải khói của người hút thuốc lá.
Những tiếp xúc hóa chất trong quá tình làm việc liên quan tới ung thư phổi bao gồm tiếp xúc với bụi silic, ni ken, crom và khí than, tiếp xúc với quá trình luyện thép, nguy cơ này tăng lên nhiều lần nếu bệnh nhân có hút thuốc lá.
Tiếp xúc với phóng xạ có nguy cơ bị các bệnh ung thư trong đó có cả ung thư phổi. Ngoài ra, ung thư phổi liên quan đến các chất gây ô nhiễm không khí như các sản phẩm phụ sinh ra trong quá trình đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch.
Những triệu chứng cần nhớ
GS Đức cho rằng triệu chứng của ung thư phổi gai đoạn đầu thường không có triệu chứng cụ thể nhưng khi bệnh phát triển, thường có những triệu chứng sau:
1, Ho dai dẳng, ngày càng nặng hơn
2, Hô hấp suy giảm như thở dốc
3, Đau ngực kéo dài
4, Ho ra máu
5, Khàn giọng
6,Thường xuyên bị viêm phổi
7, Luôn cảm thấy mệt mỏi, bất lực
8, Giảm cân không rõ nguyên nhân
GS Đức nhấn mạnh các triệu chứng này không phải là đặc trưng riêng cho ung thư phổi. Các bệnh khác cũng có thể gây ra triệu chứng này. Khi có một trong những triệu chứng như trên nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán sớm. Những lưu ý rằng có khoảng 13% số bệnh nhân không có bất cứ một triệu chứng nào cho đến khi phát hiện ra khối u.
Các yếu tố gây nguy cơ ung thư phổi
Giới tính:
Ung thư phổi chiếm ưu thế ở nam giới 50-75 tuổi. Tại các nước phương Tây, tỷ lệ ung thư phổi ở nam giới của vài quốc gia những năm gần đây không gia tăng trong khi tỷ lệ ung thư phổi có chiều hướng gia tăng ở phụ nữ.
Địa lý:
Tỷ lệ ung thư phổi thay đổi tùy theo vùng địa lý trên thế giới. Các nước châu Phi có tỷ lệ thấp hơn 5%. Tỷ lệ này khoảng 5-10% ở châu Á và Nam Mỹ. Châu Âu và Bắc Mỹ có tỷ lệ ung thư phổi cao nhất 10-15%.
Thuốc lá:
Đa số ung thư phổi xuất hiện ở những người đã và đang hút thuốc lá (80%) cộng thêm 5% ước tính do hậu quả của sự tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá. Mức độ nặng nhẹ của sự tiếp xúc với khói thuốc tùy thuộc vào số năm mà người đó đã hút thuốc, số điếu thuốc hút trong ngày và phần nhựa có trong điếu thuốc.
Có 10 đến 13% người nghiện thuốc lá có nguy cơ ung thư phổi với một thời kỳ tiềm ẩn từ 30 đến 40 năm tính từ lúc mới bắt đầu hút thuốc cho đến khi xuất hiện ung thư phổi.
Nghề nghiệp:
Chất sinh ung asbestos trong một vài loại nghề nghiệp (ví dụ như nghề mài má phanh xe) là yếu tố nguy cơ mắc ung thư phổi. Công nhân làm việc ở một số mỏ có nguy cơ ung thư phổi cao hơn như mỏ phóng xạ uranium, mỏ kền, mỏ cromate, công nhân làm việc trong một số ngành nghề có tiếp xúc amiant, công nghiệp hóa dầu, công nghiệp nhựa, khí đốt. Việc tiếp xúc với khí radon, các ô nhiễm không khí từ kỹ nghệ kim loại nặng và môi trường ô nhiễm khói thuốc có liên quan đến sự xuất hiện ung thư phổi.
Các bệnh ở phế quản phổi:
Ung thư phổi xảy ra trên những sẹo xơ là vấn đề đã đề cập khá nhiều. Các sẹo xơ thường là do lao, nhồi máu phổi, viêm phổi hoặc bệnh bụi phổi. Cơ chế gây bệnh chưa rõ nhưng người ta cho rằng sự xơ hóa làm tắc nghẽn mạch bạch huyết gây tích tụ các chất sinh ung có thể dẫn đến ung thư.
Ô nhiễm không khí: do hơi đốt ở gia đình, xí nghiệp, hơi xả ra từ các động cơ.
Di truyền: chưa được chứng minh, nhưng có thể có yếu tố gia đình liên quan đến một số đột biến gen.