Trước đây, áp lực công việc tại Nhật Bản được cho là “nặng nề nhất thế giới”. Những đòi hỏi nghiệt ngã của công việc không chỉ khiến nhiều người phải mắt ăn mất ngủ, không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, mà còn không có cả thời gian để nghĩ tới chuyện yêu đương, lấy chồng lấy vợ.
Tháng 11/2007, tòa án thành phố Nagoya ra phán quyết anh Kenichi Uchino, 30 tuổi, tử vong vì lao động quá sức. Vợ của anh cho biết, chồng mình đã làm việc quá 106 giờ trong tháng trước khi qua đời. Đó là một trong số rất nhiều trường hợp cũng có kết cục bi thảm tương tự.
Tất nhiên, trong cuộc sống luôn “quay cuồng”như vậy, thì số người có điều kiện để luyện tập nâng cao thể lực cũng là vô cùng hiếm hoi.
Tuy nhiên, Trung Quốc – với vai trò là “công xưởng của thế giới”, đã dần “soán ngôi”của người Nhật. Nhịp độ làm việc gấp gáp của môi trường công nghiệp đã nhanh chóng “ngốn mất” gần như toàn bộ thời gian của số người làm việc trong các doanh nghiệp, công xưởng.
Khác với người Nhật, khi người dân ở quốc gia sớm phát triển hiện đại này chỉ chịu áp lực của công việc, trong khi đời sống vật chất được đảm bảo ở mức cao, đa số người lao động công nghiệp ở Trung Quốc vừa phải đối diện với áp lực công việc nặng nề, lại vừa phải đối chọi với nguy cơ đói nghèo luôn rình rập.
Giá nhân công rẻ mạt khiến rất nhiều người làm không đủ ăn, trong khi phải “gánh vác” cả trách nhiệm nặng nề đối với gia đình. Đó là nguyên nhân khiến cho số người chết vì làm việc kiệt sức ở Trung Quốc có độ tuổi trẻ hơn, và ở nhiều lĩnh vực ngành nghề, trong đó có cả các lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, chăm sóc y tế và công nghệ thông tin.
Vụ việc mới nhất được truyền thông Trung Quốc đưa tin là cái chết của một kỹ sư mới 24 tuổi. Người này có thói quen thường xuyên làm việc quá tải và anh đã tử vong sau một thời gian dài làm việc không nghỉ.
Trước đó, một trang mạng của Trung Quốc cho biết, tới hơn một nửa trong số 13.400 nhân viên văn phòng ở Trung Quốc không có thời gian vận động cơ thể trong giờ làm việc và hơn 2/3 trong số họ phải làm thêm nhiều hơn 5 giờ mỗi tuần.
Còn với lực lượng lao động phổ thông, hiện có tới vài trăm triệu người, thì áp lực công việc còn khủng khiếp hơn. Nhiều người phải làm việc đến 14-15 giờ/ngày trong môi trường độc hại, hoàn toàn không có điều kiện nghỉ ngơi do cuộc sống luôn túng thiếu. Đó chính là nhóm có nguy cơ tử vong vì làm việc kiệt sức nhiều nhất.
Tình trạng đáng báo động nói trên ở Trung Quốc cũng là lời cảnh báo đối với nhiều người lao động Việt Nam. Bởi qua khảo sát thực tế, có thể thấy rất nhiều người ở Việt Nam cũng đã và đang làm việc quá tải trong áp lực nặng nề của cuộc sống. Nhiều doanh nghiệp thường xuyên làm tăng ca 2-4 giờ/ngày, thậm chí nhiều hơn, trong khi đa số người lao động cũng muốn có giờ làm thêm để tăng thu nhập.
Theo các chuyên gia y tế, 2 yếu tố khiến con người bị kiệt sức, đó là làm việc quá nhiều, quá căng thẳng, cùng với với áp lực tinh thần nặng nề. Những biểu hiện của kiệt sức là: mệt mỏi, cáu gắt, khó chịu, thiếu tập trung, không thể làm việc trong một thời gian dài…
Vậy, để tránh nguy cơ thiệt mạng do làm việc quá tải dẫn đến kiệt sức, cần phải làm gì?
Trước hết, cần có thời gian nghỉ ngơi và thư giãn, bằng cách đọc sách, xem phim, đi bộ hoặc chỉ đơn giản là không làm bất cứ việc gì hết.
Thứ 2 là cần thay đổi không khí, ví dụ như những chuyến du lịch để “đổi gió”. Cũng có thể rời khỏi những áp lực của công việc bằng cách làm những việc mà bạn cảm thấy vui vẻ, thích thú.
Thứ 3 là cần ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày. Bên cạnh đó, cần dành thời gian cho những hoạt động thể chất, như tập gym hoặc chơi các môn thể thao. Sự tĩnh tâm cũng rất cần thiết, nó sẽ giúp đầu óc bạn thoát ra khỏi tình trạng áp lực, cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng.
Một thói quen cần “cách ly”, đó là tránh tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử như điện thoại di động, laptop, TV, games…
Nếu như trong công việc, bạn cảm thấy khó khăn, áp lực, tốt nhất là không nên cố gắng tự giải quyết một mình, mà hãy kêu gọi sự giúp đỡ từ các đồng nghiệp. Họ sẽ giúp bạn giảm bớt áp lực.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng là điều quan trọng. Nên ăn nhiều trái cây và rau, tránh cà phê và thức ăn nhanh; cần ăn sáng đúng giờ và đủ chất…
Tất nhiên, không phải ai cũng có đủ điều kiện về thời gian và tiền bạc để đáp ứng cho bản thân những yêu cầu trên. Vì thế, hãy xem xét kỹ lưỡng để chọn ra những điều mà mình có thể thực hiện được, càng nhiều càng tốt.