Cùng với các nước khu vực Tây Thái Bình Dương, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000. Tuy nhiên, bệnh bại liệt vẫn chưa được thanh toán trên quy mô toàn cầu. Năm 2015, vẫn có 74 trường hợp mắc bệnh bại liệt hoang dại được ghi nhận ở 2 quốc gia trên thế giới là Pakistan và Afghanistan. Bệnh luôn có nguy cơ quay trở lại, kể cả ở những nước đã đạt mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt.
Tại Việt Nam, thực hiện chiến lược thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới, từ tháng 6 năm 2016, Việt Nam đã chuyển đổi sang sử dụng vắc xin bại liệt uống 2 týp (bOPV) thay thế cho vắc xin bại liệt uống 3 týp trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 2,3,4 tháng tuổi.
Vắc xin bại liệt uống 2 týp là vắc xin sống giảm độc lực từ các chủng virus bại liệt týp 1 và týp 3. Vắc xin bại liệt 2 týp hiện sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) tại Việt Nam đã được sử dụng tại 39 quốc gia với trên 630 triệu liều.
Sử dụng vắc xin bại liệt uống là an toàn. Sau khi uống văc xin, phản ứng rất hiếm gặp có thể xảy ra là đau cơ, yếu cơ, liệt. Trong suốt 30 năm triển khai uống vắc xin bại liệt trên toàn quốc, hầu hết không có phản ứng trầm trọng xảy ra sau khi uống. Trên thế giới, có ghi nhận một vài trường hợp liệt sau uống vắc xin. Tỷ lệ này rất hiếm gặp, với tần suất có thể xảy ra là một trên 1,4-2,8 triệu liều vắc xin, chủ yếu do virus bại liệt týp 2. Vì thế, sử dụng vắc xin bại liệt uống 2 týp giảm các phản ứng bất lợi.
Sau 2 tháng triển khai uống vắc xin bại liệt 2 týp tại tất cả các điểm tiêm chủng trên toàn quốc cho trẻ 2,3,4 tháng tuổi đã có hơn 800.000 liều vắc xin bại liệt được sử dụng an toàn trong Chương trình TCMR.
Trong tháng 7 năm 2016, tại Hội nghị Tư vấn về tiêm chủng khu vực Tây Thái Bình Dương tổ chức Tại manila, Philippines, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo các quốc gia cần tiếp tục tăng cường triển khai vắc xin bại liệt, bao gồm vắc xin dạng uống 2 týp hoặc vắc xin dạng tiêm (IPV) trong tiêm chủng thường xuyên.