Bác Hồ từng nói rằng, “cán bộ là đầy tớ nhân dân”. Ở đây, “đầy tớ” mà đánh dân như vậy thì… hỏng hẳn! Bởi như vậy là mất đạo đức!
Vụ việc nói trên không phải là đầu tiên. Trước đó ít lâu, ông Đào Vịnh Thuấn, cũng là công chức của Sở GTVT Hà Nội, đã tham gia vụ hành hung chị Nguyễn Lê Quỳnh Anh ngay tại sân bay Nội Bài, từng khiến dư luận một phen “dậy sóng”.
Trước đó nữa, một vụ ẩu đả giữa 2 công chức xảy ra tại tỉnh Bình Thuận, sau một chầu nhậu. Còn ở Bình Phước cũng từng xảy ra chuyện 2 phó giám đốc sở “giải quyết mâu thuẫn” bằng cách đập… ly bia vào mặt nhau.
Một vụ việc cũng liên quan đến đạo đức của công chức, đó là vụ việc xảy ra tại trạm thu phí quốc lộ 6, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, khi một cán bộ kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm huyện đã có hành vi lăng mạ, gọi người đến đe dọa và xông vào đánh đuổi nhân viên của trạm thu phí, làm náo loạn, mất trật tự, gây ùn tắc giao thông.
Như vậy là sau những kêu ca của dân tình về thái độ hách dịch, vô trách nhiệm của một số công chức khi làm nhiệm vụ ở công sở, thì giờ đây lại liên tiếp xảy ra những vụ công chức hành xử như… côn đồ, khiến dư luận hết sức bức xúc!
Công chức chính là bộ mặt của chính quyền, là hình dung cụ thể nhất về Nhà nước trong mắt người dân. Không phải tất cả, nhưng không ít cán bộ, công chức đã và đang nhầm lẫn vai trò – thay vì là công bộc của dân, phục vụ lợi ích nhân dân thì họ lại nghĩ rằng mình có quyền hành xử với dân như “bề trên”, như thể họ mới chính là ông chủ”.
Nếu ở hành vi đánh cô gái thể hiện tính côn đồ với phụ nữ thì ở vụ việc công chức Sở Ngoại vụ Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hoàng, đánh vị tiến sĩ già, còn là sự vô đạo đức một cách trắng trợn. Đó là điều cần phải bị lên án, bởi các hành vi thô lỗ, côn đồ mà họ thể hiện đã đi ngược lại văn hóa ứng xử tối thiểu cần có đối với phụ nữ, người già, trẻ em và bạn bè, đồng nghiệp trong một xã hội văn minh. Đồng thời còn trái với đạo lý truyền thống hiếu hòa, trọng tình, trọng nghĩa của dân tộc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ khi còn làm Phó Thủ tướng đã hơn một lần yêu cầu cán bộ, công chức thực hiện “4 xin”. Đó là “xin chào, xin lỗi, xin phép, xin cám ơn”. Đặc biệt, từ khi nhậm chức Thủ tướng, ông đã rất gương mẫu thực hiện những gì mà mình đã nói trước đó, khiến người dân vô cùng cảm phục. Đó mới thực sự là công bộc của dân!
Còn với những công chức có hành vi côn đồ như vừa nêu, dù những hành vi ấy không thể hiện trong công sở, nhưng đã là cán bộ, công chức thì ở bất cứ đâu cũng phải lễ độ với dân. Với vụ hành hung vị tiến sĩ già, có lẽ loại bỏ người công chức này ra khỏi bộ máy Nhà nước là điều không phải bàn cãi, nhưng nên chăng cần phải khởi tố vụ án để trừng phạt nghiêm khắc hơn kẻ có hành vi côn đồ và vô đạo kia, để làm gương cho những người khác.
Cũng là để cho bộ máy cán bộ, công chức ngày một trong sạch, đẹp đẽ hơn trong mắt người dân.