Cho đến giờ, bộ trang phục “Sen vàng Việt Nam” đoạt giải “Trang phục dân tộc đẹp nhất” tại cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia vẫn khiến nhiều người ngạc nhiên. Gọi là trang phục dân tộc và có cái tên rất thuần Việt nhưng bộ Sen vàng này vẫn khiến nhiều người cảm thấy xa lạ. Phải nói rằng bộ “Sen vàng Việt Nam” do người mẫu Khả Trang trình bày tại đấu trường quốc tế đã khiến tất cả choáng ngợp nhưng người Việt nhìn không quen mắt chút nào.
Từ xưa, người Việt vốn vóc dáng nhỏ bé lại ở xứ nóng nên ngay cả phụ nữ thì quần áo nhẹ nhàng để thoáng mát, linh hoạt nhưng bộ của nhà thiết kế Lê Long Dũng lại nặng đến 45kg và dài 3,5m. Dù Long Dũng từng chia sẻ trang phục lấy cảm hứng kết hợp sự mạnh mẽ và sự thanh thoát của cha Rồng và mẹ Tiên theo truyền thuyết nhưng chúng ta chỉ thấy sự mạnh mẽ chứ thanh thoát là không có.
Do vậy, các nhà văn hóa, các nhà phê bình và ngay cả người dân Việt Nam đều không hề thấy vẻ đẹp nào hay nét dân tộc nào từ bộ Sen vàng Việt Nam. Thậm chí, có người còn cho rằng nó là thảm họa thời trang và e ngại viễn cảnh khi Khả Trang mang ra trình bày thì sẽ bị bạn bè quốc tế cười chê.
Ấy thế khi ra trình diễn thì Khả Trang và bộ Sen vàng Việt Nam lại chinh phục được hết ban giám khảo. Có vậy, “Sen vàng Việt Nam” vượt các đối thủ nặng ký Philippines và Venezuela chiến thắng giải phụ “Trang phục dân tộc đẹp nhất”. Các thành viên của ban giám khảo toàn là những nhân vật quốc tế nên họ không hề có sự thiên vị nào ngoài việc chọn những điều ấn tượng nhất mà Sen vàng Việt Nam đáp ứng được tiêu chí đó.
Chúng ta thì quen áo dân tộc là phải áo tứ thân có lịch sử thế này, áo bà ba có lịch sử thế kia, rồi áo dài thì kết hợp nét thanh tao, hài hòa… thì mới là dân tộc. Nhưng người chấm thi quốc tế thì không thế, họ không có thời gian để hiểu hết lịch sử, ý nghĩa của trang phục của từng nước tham gia mà chỉ cần thấy cái nào ấn tượng hơn là đủ. Bộ Sen vàng Việt Nam chưa bao giờ chúng ta thấy ở Việt Nam nhưng ban giám khảo lại thấy đâu đó trong sắc màu sặc sỡ của lễ hội Carnaval danh tiếng ở Brazil.
Họ ghi nhận sự sặc sỡ đó như tính phổ biến, hòa nhập của Việt Nam với thế giới và được nghe giới thiệu hơn rằng các hoa văn là kết hợp truyền thuyết mà hàng chục triệu người dân Việt Nam đều biết (con Lạc – cháu Hồng). Như vậy là đủ để họ chấm điểm cao cho một bộ trang phục có tinh thần dân tộc mà lại có tính hòa nhập quốc tế (dễ nhìn, dễ nhớ, dễ được tất cả ấn tượng). Do vậy, chúng ta cần phải vui mừng và hãnh diện với thành công được quốc tế ghi nhận thay vì ném đá, dè bỉu.