Trứng vịt lộn là món ăn rất giàu dinh dưỡng. Nhưng không phải vì thế mà ai cũng ăn được và ăn bao nhiêu cũng xong. Có những người thuộc nhóm “cấm chỉ định” với trứng vịt lộn mà cứ ăn bừa, bổ đâu chẳng thấy lại rước họa vào thân.
Trứng vịt lộn là món ăn bổ dưỡng, đồng thời được coi là món ăn bài thuốc có công hiệu dưỡng huyết, ích trí, giúp cơ thể mau trưởng thành, cải thiện khả năng sinh lý.
Trong một quả trứng vịt lộn có 182 kcal năng lượng; 13,6 g protein; 12,4 g lipit; 82 mg canxi; 212 mg phốt pho; 600 mg cholesterol… Ngoài ra, trứng vịt lộn còn có nhiều betacaroten (435 µg); vitamin A (875 µg), một số ít sắt, gluxit, vitamin B1 và C…
Trứng vịt lộn giàu dinh dưỡng, nhưng ăn quá nhiều sẽ phản tác dụng và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Những người có bệnh cao huyết áp, tiểu đường, viêm gan, gan nhiễm mỡ, tim mạch… nên kiêng hoặc không ăn nhiều trứng vịt lộn vì có thể sẽ làm tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Tuy trứng lộn tốt hơn trứng thường rất nhiều nhưng việc sử dụng nhất thiết phải đúng liều lượng và đúng cách thì mới đem lại hiệu quả. Ăn nhiều trứng vịt lộn mỗi ngày và ăn liên tục có thể làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu, góp phần gây ra các bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… và protein không tốt cho người bị bệnh gout.
Trứng vịt tính lạnh, mát, người tỳ vị hư ăn vào dễ đầy trệ, không tiêu, gây báng bụng. Đặc biệt, người bị ung nhọt độc ăn vào dễ bị đùn thịt thừa, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Lưu ý: Khi bồi bổ bằng trứng lộn không nên hút thuốc lá, tránh rượu bia và các chất có cồn. Ngoài ra, không nên ăn 2 quả cùng lúc, không nên ăn buổi tối vì khó tiêu, ngủ không ngon giấc.