Các vùng cơ thường bị chuột rút nhất là: cơ cẳng chân, cơ đùi trước và sau, kế đến là cơ bụng, bàn tay, bàn chân, lưng, cánh tay…
Thường gặp ở những người lớn tuổi trên 40, trẻ em, người béo phì; mắc một số bệnh lý hoặc đang dùng một số thuốc điều trị cao huyết áp, lợi tiểu…, và tập luyện quá sức hoặc chơi trong môi trường quá nóng.
* Nguyên nhân:
Cơ bắp không đủ sức mạnh và độ dẻo, hoặc teo cơ do tuổi tác.
Khởi động, làm nóng không kỹ trước khi tập luyện làm cơ dễ bị co rút phản ứng với những động tác đột ngột, và dễ ứ đọng axit lactic trong cơ làm cơ mau mệt, kích thích thần kinh tủy sống gây co rút cơ liên tục.
Mất nước, chất điện giải (kali, magie, calci) và muối, đặc biệt khi chơi trong môi trường quá nóng ra nhiều mồ hôi.
* Xử trí tại sân:
Ngưng chơi ngay, vào nghỉ ở khu vực thoáng mát.
Xoa bóp nhẹ vùng cơ đau, làm động tác kéo giãn cơ bị rút và giữ cho đến khi hết tình trạng co rút. Tránh động tác gây đau và co rút cơ.
Chườm nóng lên vùng cơ đang rút căng trước, và sau đó chườm lạnh lên vùng cơ đau.
Uống bù nước, muối và chất điện giải(nước thể thao, ăn chuối…)
Nếu chuột rút xảy ra nhiều lần nữa trong lúc tập luyện, hoặc kéo dài không đáp ứng với các biện pháp xử trí trên, bạn nên gọi cấp cứu hoặc đến khám bác sĩ chuyên khoa y học thể thao.
* Phòng ngừa:
Tập luyện sức mạnh và độ dẻo, độ bền cơ bắp thường xuyên.
Khởi động, làm nóng đúng cách và đủ thời gian trước khi chơi. Đặc biệt các động tác kéo giãn cơ cẳng chân, cơ đùi.
Uống nước đầy đủ trước, trong và sau khi chơi. Bổ sung muối, chất điện giải, và carbonhydrat bằng các chế phẩm dùng cho thể thao hay các thực phẩm thích hợp.
Nên đến bác sĩ chuyên khoa y học thể thao tư vấn nếu bạn lớn tuổi, đang mắc một số bệnh hay đang uống thuốc đặc trị mà muốn chơi thể thao.