Mặc dù mức lương khởi điểm thấp hơn cả lương ô sin, nhân viên chan bún nhưng nhiều cử nhân vẫn khẳng định, dù lương thấp hơn nữa, cuộc sống chật vật hơn nữa họ vẫn muốn làm công việc đúng ngành hoặc tương xứng với trình độ học vấn. Lý do là gì? Cùng nghe một số bạn trẻ chia sẻ.
“Làm việc đừng vội nhìn vào lương”
Hạ Hồng Việt (nhân viên marketing) khi xem qua thông tin tuyển dụng nhân viên chan bún của nhà hàng ẩm thực đã thốt lên: “Thật nực cười và trớ trêu”. Vị trí tuyển dụng nghe quá lạ, lương không hề thấp, lại chẳng cần bằng cấp và kinh nghiệm.
Thế nhưng khi xem xét kỹ, anh lại thấy đây là một thông tin tuyển dụng hoàn toàn đáng tin. Để có được mức lương từ 5 – 7 triệu, người lao động không chỉ đứng chan bún hoặc làm nhiều công việc phức tạp hơn. Hoặc, nếu chỉ đứng một chỗ, chan bún trong suốt 8 giờ/ngày, 26 ngày/tháng, ca kíp thường xuyên thay đổi thì cũng không phải chuyện dễ dàng.
“Nói thế để thấy rằng, mức lương 5 đến 7 triệu cho vị trí này không hề vô lý”, Việt nói. “Nhưng nếu đem nó ra so sánh với mức lương cử nhân mới ra trường thì quá khập khiễng”.
Việt kể, mẹ anh là công nhân lao động, mức lương hiện tại có được là khoảng từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng, không khác biệt nhiều so với lương của 10 năm trước. Bởi lẽ, đồng lương của mẹ anh phụ thuộc vào sức lao động chân tay, mà con người chỉ có hai chân, hai tay, sức lao động bị giới hạn. Cũng giống như công việc của một nhân viên chan bún, không cần bằng cấp, kinh nghiệm nhưng đến 10 năm nữa, mức lương vẫn khó thay đổi mà lại dễ bị thay thế.
“Thế nên, so sánh lương khởi điểm của cử nhân với lương ô sin, nhân viên chan bún thật sự quá nực cười. Sự khác biệt lớn nhất ở đây là sự thăng tiến trong công việc và giá trị họ tạo trong công việc. Sẽ hiếm lắm, mới có chuyện cử nhân bỏ mớ kiến thức học được, đi làm công việc trình độ học vấn trung học”, Việt phân tích.
Bản thân Việt – một nhân viên marketing, chỉ được trả 2 triệu đồng cho công việc đầu tiên. Cuộc sống khó khăn, chật vật, túng thiếu… nhưng anh vẫn chấp nhận bám trụ. Và chỉ sau 2 năm theo nghề, anh đã được một công ty đồng ý trả lương cao gấp 10 lần trước đó.
“Hoặc như một người anh mà tôi biết, ban đầu chưa có kinh nghiệm, anh gửi CV cho 50 công ty, xin vào làm marketing với mức lương 0 đồng. 2 năm sau, anh là trưởng bộ phận marketing online của tập đoàn nhận anh khi đó, với mức lương mấy nghìn đô/tháng. Chỉ trong 2 năm thôi đấy!”, Việt kể.
Quan điểm của Việt những ngày đầu đi xin việc là không nhìn vào mức lương nhận được. Thứ anh quan tâm là mình học hỏi được gì và có thể cống hiến được gì. Việt cho rằng, không ít người trẻ đang có quan điểm sai lầm về chuyện việc làm. Họ cho rằng, việc làm là điều hiển nhiên, không đi học nữa thì đi làm và thất nghiệp là một thứ kinh khủng.
“Đúng, không đi học nữa thì đi làm nhưng quan trọng là làm gì rồi mới tính đến chuyện thu nhập ra sao. Nếu lương cao mà không có cơ hội phát triển, học hỏi thì cũng bỏ đi. Nếu chưa tìm được môi trường ưng ý, cứ sẵn sàng làm công việc gì đó để kiếm tiền nuôi thân, rồi kiên trì tìm việc phù hợp với mong muốn và khả năng”, Việt chia sẻ.
Theo chàng trai 24 tuổi, cử nhân mới ra trường đừng vội thất vọng về mức lương mình nhận được. Hãy đặt ra ba câu hỏi: “Mình muốn gì?”, “Mình có khả năng gì?”, “Việc gì có thể tạo ra tiền?”.
“Sau khi xác định xong mong muốn của bản thân thì bắt tay vào làm hồ sơ xin việc. Liệt kê và mạnh dạn ứng tuyển vào 100 công ty phù hợp nhất và chỉ xin một mức lương tối thiểu hoặc không lương, sau đó cố gắng hết mình trong 3 đến 6 tháng để thể hiện giá trị bản thân. Mình nghĩ, rồi bạn sẽ được trả mức thu nhập tương xứng”, Việt nói.
“Có trách nhiệm với sự lựa chọn của bản thân”
Lê Nga (25 tuổi, cựu sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) được trả mức lương 3 triệu/tháng cho công việc kế toán khi mới ra trường. Với mức sống ở Hà Nội, số tiền đó không đủ để cô trang trải tiền ăn, ở. Chưa kể, cô chịu áp lực khá lớn từ việc những người bạn của mình, không mất một ngày ngồi trên giảng đường vẫn có lương 6, 7 triệu/tháng.
Thế nhưng, Nga chưa bao giờ đặt mức lương của bản thân và lương của những người bạn công nhân lên bàn cân so sánh. Đơn giản bởi: “Vị trí tôi học là cấp quản lý, không phải ngày 1, ngày hai là làm ngay được. Nhà tuyển dụng không thể để một đứa sinh viên mới ra trường chèo lái, để rồi không biết công ty sẽ đi về đâu. Nên, cứ nhận mức lương thử việc và bĩnh tĩnh học hỏi thôi”.
Sau hơn 2 năm làm việc, mức lương hiện tại của Nga đã tăng lên gần 3 lần. “Nếu ngày đó tôi bỏ đi làm công nhân thì liệu lương có thể tăng gấp 2, gấp 3 như bây giờ không, dù có tăng ca ngày đêm đi chăng nữa?”, Nga nói.
Bản thân cô gái 25 tuổi có rất nhiều lý do chịu khó, chịu khổ bám trụ với công việc lương thấp khi xưa. Thời điểm mới ra trường là lúc cô yêu thích và hăng hái với ngành mình từng theo học nhất. Cô tò mò muốn phá vỡ lớp màng giảng đường, từ lý thuyết đi đến thực thế doanh nghiệp.
Và quan trọng hơn cả, Nga thấy cần phải có trách nhiệm với sự lựa chọn của bản thân. Sau bao nhiêu khóa định hướng nghề nghiệp, cô đã quyết định chọn học kế toán thì giờ đây, cô phải trải nghiệm để biết nó có thật sự phù hợp với mình.
“Bạn bè tôi, cũng có những người, ngoài công việc hiện tại chẳng biết làm gì nên không dám từ bỏ công việc lương thấp dù ra trường 2, 3 năm rồi. Nhưng cũng có những người ban đầu chẳng màng đến lương mà chỉ hùng hục làm việc, cống hiến. Sau này, họ được đề xuất trả mức lương cao mà chính họ cũng bất ngờ”, Nga chia sẻ.