“Chiến binh” dũng cảm…
Năm 2014, khi thấy các biểu hiện như đau bụng ở hạ sườn, ăn không ngon miệng… thầy Cương được gia đình đưa đi kiểm tra sức khỏe và phát hiện bị u xơ tiền liệt tuyến. Các bác sĩ đã cắt bỏ u xơ tiền liệt tuyến bằng phương pháp mổ nội soi.
Nhưng một thời gian sau, các triệu chứng này lại xuất hiện thường xuyên hơn. Và một lần nữa đi kiểm tra sức khoẻ, bác sĩ đã phát hiện ra thầy bị ung thư gan, khối u đã to 7 – 8 cm và có huyết khối. Mặc dù nghe các bác sĩ chẩn đoán bệnh của mình đã bước vào giai đoạn rất nguy hiểm, có thể chỉ sống được từ 3-5 tháng; nhưng thầy Cương không hề có tâm lý hoang mang mà coi như không có bệnh.
Người giáo già từng chia sẻ: “Trong cuộc sống, cách xử sự khi tôi gặp khó khăn đều là không e ngại, và tôi phải vượt qua được. Đối với bệnh tật, mình phải chống chọi đến cùng, lạc quan, nghĩ rằng mình có thể qua được. Người thân còn lo hơn tôi, tôi nói tôi chả lo lắng gì. Trong tôi không hề có ý nghĩ, không hề lởn vởn khả năng xấu nhất. Tôi còn đùa, tôi lạc quan là vì, tôi đã 79 tuổi, sống thế này đủ rồi”.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức đã thắt nút 5 tĩnh mạch nuôi dưỡng khối u, truyền dinh dưỡng và kháng sinh nhưng lại không dùng bất cứ loại thuốc nào đặc trị bệnh ung thư. Lo lắng cho sức khỏe của thầy, người nhà đã đi khắp nơi hỏi han và kết hợp điều trị Đông – Tây y. Ngoài uống thuốc Đông y, thầy Cương còn sử dụng các bài thuốc như nấm lim xanh pha trà, điều chỉnh chế độ ăn uống… Cứ như thế, thầy đã vượt qua giai đoạn 3-5 tháng.
Và thầy đã làm nên điều kỳ diệu. Chỉ sau 2 tháng, từ chỗ nằm li bì, thầy đã có thể đi làm bình thường, đứng trước hàng trăm học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh phát biểu đầy khí thế trong Lễ khai giảng năm học mới 2014-2015.
Sau hơn một năm kết hợp điều trị Đông – Nam y, ngày 7/1/2015, qua 4 lần chụp CT, các bác sĩ bất ngờ vì không thấy huyết khối, khối u cũng trắng trên phim, một kết quả đáng mừng và hiếm hoi trong y học.
Người truyền cảm hứng
Thầy Văn Như Cương kể rằng, sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin thầy đã hết bệnh, rất nhiều người ở các vùng miền đã đến hỏi sức khỏe của thầy và xin thầy kinh nghiệm điều trị ung thư gan. Khi ấy, thầy Cương dí dỏm: “Tôi thành chuyên gia tư vấn bệnh mất rồi”.
Theo thầy Cương, để chống lại bệnh tật cần phải giữ tinh thần tốt. Với những người sức khoẻ yếu lại thiếu cả niềm tin, nhiều nhất chỉ có thể sống thêm được vài năm. Sau này, tuy căn bệnh có tái phát và thầy phải nhập viện điều trị, nhưng thầy vẫn là trường hợp bệnh nhân cao tuổi hiếm hoi có thể đẩy lùi căn bệnh nan y này trong một thời gian ngắn như vậy.
Thông qua câu chuyện của mình, thầy đã truyền cảm hứng, nghị lực sống tới các bệnh nhân đang điều trị, bởi hơn ai hết, thầy hiểu rất rõ rằng, tinh thần lạc quan là vô cùng quan trọng để đấu tranh với căn bệnh nan y này.
Trong suốt 3 năm chiến đấu với bệnh tật, người thầy vĩ đại ấy vẫn chăm chỉ làm việc và rất ít khi từ chối phỏng vấn của truyền thông, không ngại thể hiện quan điểm, phê phán những tiêu cực trong ngành giáo dục. Dù bị bệnh tật dày vò, chưa bao giờ thầy quên đi nhiệm vụ phải lan tỏa tình yêu thương, tinh thần sống tích cực đến cộng đồng.
Thực tế cũng đã chứng minh, tấm lòng yêu thương học sinh chân thành và nhân cách sống cao đẹp của thầy Cương mang lại hiệu ứng tích cực như thế nào. Đó là sự kiện gần 4.000 học sinh hát đồng ca và các em còn gấp hàng chục nghìn hạc giấy với lời ước nguyện giúp thầy vững vàng chống chọi với bệnh tật và sớm bình phúc để trở về.
Ngày khai giảng năm học mới 2017-2018, thầy Văn Như Cương đã đến dự lễ khai giảng và truyền cảm hứng cho học sinh thông qua một thông điệp giàu ý nghĩa. Đó là bài học “một phút chữa bệnh lười”.
Ngày hôm nay (9/10), thầy Cương đã ra đi mãi mãi trong sự tiếc nuối vô hạn của người thân và hàng chục thế hệ học trò thân yêu. Có lẽ, tài sản lớn nhất của cuộc đời vị giáo già đáng kính, chính là tình yêu bất biến của các lứa học trò từng được học dưới mái trường Lương Thế Vinh. Và câu chuyện về hành trình 3 năm chiến đấu với bệnh tật của thầy sẽ tiếp tục truyền đi nghị lực sống cho rất nhiều người khác.