Ngày 17/11, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo tham vấn cộng đồng về Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, theo một số nghiên cứu, tỉ lệ người chuyển giới chiếm khoảng 0,3% – 0,5% dân số. Đến nay đã có hơn 60 quốc gia trên thế giới hợp pháp hóa việc thay đổi giới tính trên giấy tờ.
Theo đề cương Dự thảo Luật được đưa ra, người muốn được chuyển đổi giới tính phải đáp ứng đủ 4 điều kiện như:
Đủ 18 tuổi trở lên; Là người độc thân; Có giới tính sinh học hoàn thiện nhưng mong muốn giới tính khác giới tính sở hữu hiện tại, yêu cầu được can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; Được kiểm tra tâm lý theo bảng chuẩn, có xác nhận của chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần về mong muốn có giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Dự thảo Luật cũng đưa ra 3 phương án để công nhận người chuyển đổi giới tính. Theo đó:
Phương án thứ nhất: Cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, đã sử dụng hormone trong thời gian liên tục khoảng 2 năm trở lên thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.
Phương án thứ hai: Cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, đã sử dụng hormone trong một thời gian liên tục (khoảng một năm) hoặc đã trải qua phẫu thuật một phần (thay đổi ngực hay bộ phận sinh dục), toàn bộ (phẫu thuật cả ngực và bộ phận sinh dục), thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.
Phương án thứ ba: Không có can thiệp về y tế (sử dụng hormone hoặc phẫu thuật ngực, bộ phận sinh dục) mà chỉ cần có bản xác nhận là đã kiểm tra tâm lý (theo bảng chuẩn) và được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.
Như vậy, với những người đã kết hôn sẽ không được phép chuyển đổi giới tính. Sau khi được công nhận đã chuyển đổi giới tính, người chuyển giới sẽ được công nhận thay đổi tên, giới tính theo pháp luật về hộ tịch.
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia y tế cũng nêu lên thực trạng chuyển giới ở Việt Nam. Cụ thể, hiện trong nước không có những dịch vụ chuyên biệt hay các bác sỹ chuyên khoa về chuyển đổi giới tính, do đó người chuyển giới không có thông tin hướng dẫn tư vấn từ bác sỹ chuyên môn khi quyết định sử dụng hormon.
Tại Việt Nam, hiện có gần 300.000 người mong muốn chuyển giới. Theo đại diện Bộ Y tế, việc xây dựng Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính nhằm tạo cơ sở pháp lý cho những người mong muốn chuyển đổi giới tính thực hiện được quyền chuyển đổi giới tính, hiểu về những tác động của việc chuyển đổi giới tính và thực hiện một cách tự nguyện.