Nếu trong quá trình sinh nở gặp biến chứng, gia đình sẽ quyết định giữ mẹ hay con? Đó là một câu hỏi khó trả lời và cũng là câu chuyện của một sản phụ đáng thương tên là Tiểu Lý (Trung Quốc) – tên nhân vật đã được thay đổi.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo khó, đến tuổi kết hôn, cô gái nông thôn này tiếp tục làm dâu trong một gia đình nghèo khổ. Khi biết tin mình đã mang thai, gia đình chồng đối xử với con dâu rất tốt.
Thế nhưng hoàn cảnh khó khăn nên trong suốt thời gian thai kỳ, Tiểu Lý chỉ được đi khám thai 2 lần. Thậm chí để có tiền nuôi con và tiền chi tiêu trong nhà, bà mẹ trẻ cũng chẳng nề hà làm mọi việc ngay cả lúc bụng đã vượt mặt.
Ngày Tiểu Lý vỡ ối, một chuyện rắc rối đã xảy ra: cổ tử cung cô mở rất chậm, chuyển dạ gần 1 ngày vẫn không có dấu hiệu sinh. Khi nghe con dâu đề nghị được sinh mổ, mẹ chồng Tiểu Lý đã từ chối vì tốn kém và không tốt cho em bé. Chồng cô cũng chẳng phản đối, ủng hộ ý kiến của mẹ mình. Còn Tiểu Lý, cô bần thần cả người.
Cuối cùng cổ tử cung Tiểu Lý cũng mở hoàn toàn. Sản phụ này đã vỡ ối sớm nhưng lại chuyển dạ lâu nên nước ối bị cạn, cô đã gần như kiệt sức sau quá trình sinh. May mắn, cuối cùng cả Tiểu Lý và con trai đều an toàn.
Nhìn Tiểu Lý lặng lẽ nằm trong phòng một mình trong khi chồng và mẹ cô đều ở chỗ em bé, vị bác sĩ nhớ lại chuyện lúc trước và chợt hiểu ra câu chuyện.
Khi được đẩy vào phòng sinh, Tiểu Lý đã lén đưa một tờ giấy cho bác sĩ với ánh mắt cầu xin. Trong đó viết: “Bác sĩ, nếu có bất kỳ rủi ro gì xảy ra khi sinh, xin hãy bảo vệ tôi. Gia đình chồng không có con dâu này có thể lấy con dâu khác nhưng gia đình tôi thì cần có tôi. Nếu có vấn đề gì phải lựa chọn giữa con và mẹ, họ chắc chắn sẽ lựa chọn đứa bé, nhưng xin đừng nghe họ, xin hãy cứu tôi”.
Đăng tải lên mạng xã hội, chủ nhân bài viết bình luận thêm: “Rất nhiều người cho rằng cô gái Tiểu Lý trong câu chuyện được kể có phần ích kỷ. Vậy nhưng ai mà không quý mạng sống của mình? Con có thể có sau nhưng nếu mình mất đi, bố mẹ mình lấy đâu ra một đứa con để bù đắp lại”.
Đồng thời, người này cũng mong muốn rằng các ông chồng, gia đình chồng hãy yêu thương, trân trọng họ nhiều hơn: “Trong giờ phút vượt cạn đau đớn, nguy hiểm, ai cũng mong được chồng an ủi, động viên. Ra khỏi phòng sinh, người phụ nữ nào chẳng ngóng chồng vào thăm non, chăm sóc”.