Một bà mẹ 20 tuổi nuôi con một mình ở huyện Si Sakhon tỉnh Narathiwat, phía nam Thái Lan. Bà mẹ này cho con nhập viện trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng, dẫn đến biến chứng đứa bé bị nhiễm trùng và cơ thể bị phù nề, da bị thay đổi màu và bong tróc. Khi được các bác sĩ hỏi thì bà mẹ cho biết, do không có sữa mẹ, gia đình lại nghèo không có tiền mua sữa bột nên nên hằng ngày cho con uống sữa đặc có đường.
Bình thường sức đề kháng của đứa bé tốt thì không sao, khi con bị sốt cao, bệnh nặng thì người mẹ này cứ nghĩ là con bệnh như vậy càng phải cho uống nhiều sữa mới mau khỏi bệnh. Nên khi con bị bệnh bà mẹ này vẫn cho uống sữa đặc có đường mỗi ngày và liên tục. Sau đó, con không những không đỡ bệnh mà ngày một nặng hơn. Đỉnh điểm khi thấy con bị phù nề, da bong tróc người mẹ này mới mang con đến bệnh viện.
Giá trị dinh dưỡng từ sữa đặc có đường
Theo một số nhãn hiệu sữa đặc có đường đang có mặt tại Việt Nam, thành phần nguyên liệu bao gồm sữa bò cao cấp, bột sữa, chất béo, đường kính, vitamin A, D, B1… theo tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp để phòng chống suy dinh dưỡng, giải độc, tăng tuổi thọ, phát triển chiều cao, tăng cường sức đề kháng…
Thực ra, sữa đặc có đường được sản xuất nhằm mục đích khác với hỗ trợ dinh dưỡng vì bản thân có thành phần không giàu dinh dưỡng cũng như không cân đối (So với sữa bột hoặc sữa tươi). Chúng chỉ là thành phần “gia vị” không thể thiếu trong nhiều loại bánh, kẹo và đặc biệt trong các loại thức uống của người lớn như cà phê, trà… hoặc có thể phối hợp với các loại thực phẩm giàu dưỡng chất khác.
Còn đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi có nên sử dụng sữa đặc có đường?
Theo nghiên cứu hiện nay, sữa đặc có đường với lượng đường rất cao nhưng lại không có nhiều vitamin và khoáng chất nên không được khuyến khích cho trẻ sử dụng. Do lượng đường cao nên khi dùng sữa đặc thì phải hòa thêm nước sôi gấp 5-8 lần để bớt ngọt, bớt cảm giác khé cổ.
Khi pha loãng thì lượng đạm, chất béo cũng bị pha loãng theo nên không đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của bé. Bé dùng sữa đặc dài ngày có thể bị suy dinh dưỡng, còi cọc, chậm lớn…
Bé trên 1 tuổi có thể uống được sữa đặc có đường nhưng mẹ không nên cho bé uống hàng ngày. Thỉnh thoảng có thể cho bé uống, cùng với ăn chút bánh mì. Hoặc mẹ có thể dùng sữa đặc để làm bánh, pha chế đồ uống cho bé thêm ngon miệng.