Chiều 18/1, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh và các đoạn clip ghi lại cảnh một thiếu nữ bị một nhóm 3 cô gái đánh đập dã man. Nạn nhân liên tục kêu la, van xin nhưng nhóm người này quyết không buông tha, vẫn tiếp tục chửi bới và có những hành vi bạo lực.
Đỉnh điểm, 3 cô gái đã lao vào lột quần áo của nạn nhân ngay tại quán. Khi thấy có người lạ bước vào, nhóm các đối tượng liền đưa nạn nhân đến 1 vị trí khác trong quán. Toàn bộ vụ việc được nhóm này quay lại và phát trực tiếp trên trang facebook cá nhân.
Tối 18/1, trao đổi với PV Báo Người Lao Động, thiếu tá Mai Thanh Tâm, Phó trưởng Công an huyện Đại Lộc, xác nhận sự việc trên xảy ra trong chiều cùng ngày ở địa phương.
Theo ông Tâm, chiều 18/1, sau khi nắm thông tin, đơn vị đã chủ động tìm hiểu sự việc và liên hệ với nạn nhân. Qua xác minh, vụ việc được xác định xảy ra tại một quán cà phê ở thị trấn Ái Nghĩa. Nạn nhân trong vụ việc là Lê Trần Bảo T. (SN 2001, ngụ khu 7, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc).
Theo thông tin ban đầu, Lê Trần Bảo T. với nhóm 3 cô gái trong clip là bạn bè. Nhóm 3 thiếu nữ kia cho rằng T. nói xấu mình nên đã tìm đến quán cà phê nơi T. làm việc để đánh hội đồng.
Trung tá Lê Nho Tâm, Trưởng Công an huyện Đại Lộc, cho biết thêm đến tối 18/1, công an huyện đã mời 1 trong 3 cô gái đánh hội đồng T. là Lê Thị Phương H. (SN 2000, ngụ thị trấn Ái Nghĩa) đến làm việc. Hiện cơ quan công an vẫn đang tích cực truy tìm 2 cô gái còn lại.
Theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam thì tội cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự (đã sửa đổi bổ sung 2009) như sau:
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân”.