Ngày 10-5, gia đình tài xế Nguyễn Văn Cảnh (SN 1983, ngụ xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã tổ chức tang lễ cho tài xế này sau khi nạn nhân tử vong tại bệnh viện.
Trước đó, trưa 9-5, tài xế Cảnh điều khiển xe tải mang BKS 92C-046.13 băng qua đường ray xe lửa không có rào chắn tại địa phận thôn Phú Lộc (xã Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), nhưng do thiếu quan sát nên bị đoàn tàu SE1 lưu thông theo hướng Bắc Nam tông trúng.
Sau va chạm, xe tải bị tàu hỏa kéo lê hơn 20 m, cabin biến dạng, thùng xe lật úp, phần đầu tảu hỏa cũng bị hư hỏng nặng. Dù được người dân địa phương nhanh chóng đưa đi cấp cứu nhưng tài xế Cảnh đã tử vong, lái tàu cũng bị thương nặng.
Được biết, gia đình anh Cảnh hết sức khó khăn, mẹ đã lớn tuổi và bị bệnh tâm thần, cha sức khỏe già yếu. Tài xế này có con trai đầu 4 tuổi, vợ đang mang thai đứa con thứ hai. Trong lúc anh Cảnh bị tai nạn tử vong, vợ anh chuyển dạ nhập viện chờ sinh đứa con thứ hai.
Thời gian gần đây, có quá nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra. Mới đây nhất, Vụ tai nạn giao thông giữa xe tải và xe khách khiến 13 người chết tại Gia Lai hôm 7/5 vẫn khiến dư luận xót xa.
Nguyên nhân vụ tai nạn đã được khẳng định đều do lái xe tải gây ra. Thế nhưng, dư luận cũng như các cơ quan chức năng vẫn chưa hiểu và chưa thể lý giải vì sao lái xe tải lại điều khiển phương tiện một cách điên cuồng như vậy.
Về vụ tai nạn này, CQĐT CA tỉnh Gia Lai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Hiện 13 người chết đã được xác định danh tính và cơ quan chức năng bàn giao thi thể cho gia đình nạn nhân đưa về an táng. Đồng thời, đã có 6 nạn nhân bị thương đã được xuất viện, 1 nạn nhân vẫn đang trong tình trạng hết sức nguy kịch là Võ Văn Quý (1990, trú H. Phù Cát, Bình Định) – lái xe tải BKS 77C-139.37.
Tại Công văn hỏa tốc số 70 của UBND tỉnh Gia Lai báo cáo với Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình – Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia nêu rõ: vào 4 giờ 35 ngày 7-5, xe khách BKS 18B-018.32 do Nguyễn Văn Vượng (1965, trú H. Giao Thủy, Nam Định) điều khiển lưu thông hướng từ Bình Phước – Nam Định, khi đến Km1632-200 QL14 (đoạn qua TT Chư Sê, H. Chư Sê, Gia Lai) đã đấu đầu trực diện với xe tải BKS 77C-139.37 do Võ Văn Quý điều khiển lưu thông hướng ngược lại. Công văn này xác định: lái xe tải Võ Văn Quý đã điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ quy định, đi vào đường ngược chiều có dải phân cách cứng nên đã đâm trực diện vào xe khách. Thế nhưng, chưa ai lý giải được vì sao xe tải lại đi vào đường ngược chiều với tốc độ cao như vậy. Bởi ngay từ phía bắt đầu vào đường đôi, ngoài biển báo thì cả một cổng chào lớn TT Chư Sê luôn có đèn sáng nhằm báo hiệu cho các loại phương tiện từ đêm đến sáng.
Không chỉ thế, qua dữ liệu giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ, chiếc xe tải chở phân bón do Quý điều khiển từ Bình Định theo QL19 đến TP Pleiku rồi lưu thông qua QL14 về H. Chư Pưh (Gia Lai, nơi giao hàng) thể hiện rõ sự bất thường về tốc độ của chiếc xe tải này. Khi vào TP Pleiku qua đường Trường Chinh hướng về QL14, chiếc xe tải lưu thông với tốc độ từ 20-40km/h. Đến cuối đường Trường Chinh (đoạn gần dốc Hàm Rồng), lái xe tải dừng lại khoảng 1 phút (chưa rõ làm gì). Ít phút sau, chiếc xe tải bắt đầu có những biểu hiện bất thường. Khi đi ngang qua trạm thu phí BOT Đức Long – Gia Lai (cách điểm vừa dừng khoảng 3km), chiếc xe tải không mua vé mà lao thẳng qua rào chắn trong sự hoảng hốt của nhân viên thu phí tại đây. Thời điểm này, được ghi nhận 4 giờ 16 phút 32 giây và tốc độ của xe tải là khoảng 67km/h. Cũng từ đây, lái xe tải lúc tăng tốc, lúc giảm tốc đột ngột bất thường, thời điểm cao nhất là tốc độ của xe tải đạt 113km/h, lúc xuống 34km/h. Không chỉ thế, nhiều nhân chứng cho biết lái xe tải đã điều khiển phương tiện một cách khó hiểu khi bóp còi inh ỏi và vượt nhiều ô-tô cùng chiều. Và đến 4 giờ 31 phút 46 giây, chiếc xe tải chạy tốc độ 105km/h lao vào đường một chiều (phía bên trái xe chạy), gây ra vụ tai nạn thảm khốc nói trên.