Tác hại của thuốc lá với thai nhi
Ngừng hút thuốc là một trong những biện pháp giúp đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh. Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), khoảng 13% bà bầu hút thuốc trong ba tháng cuối của thai kỳ. Nên nhớ rằng hút thuốc tại bất kỳ điểm nào trong thời gian mang thai có thể dẫn đến những tác động lâu dài đối với em bé của bạn.
Theo đó, việc các mẹ hút thuốc lá làm tăng nguy cơ như khả năng sinh non (trước 37 tuần), sẩy thai, thai chết trong tử cung cao gấp đôi so với những người bình thường. Nếu trẻ không rơi vào tình huống nguy hiểm, cũng sẽ khó phát triển bình thường để đạt cân nặng trung bình như bao đứa trẻ khác. Ngoài ra, trẻ còn gặp các vấn đề về đường hô hấp, bị hở hàm ếch và các dị tật bẩm sinh khác
Bên cạnh đó, thuốc lá cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi sau khi được sinh ra như mắc phải hội chứng đột tử trẻ sơ sinh (SIDS), khả năng học tập kém, bị rối loạn hành vi, bị suyễn và nhiễm trùng thường xuyên….
Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới được sinh ra từ người mẹ hút thuốc khi mang thai là khá cao. Nói cách khác, hút thuốc khi mang thai khiến bé của bạn có nguy cơ trở thành một người hút thuốc khi chúng lớn lên.
Các bà bầu nên nhớ rằng, bỏ thuốc lá trong bất kỳ giai đoạn mang thai ngay cả khi họ đang ở tháng thứ bảy hoặc thứ tám của thai kỳ, nhằm giảm nguy cơ dị tật phổi và tỷ lệ sinh non .
Bí quyết giúp bà bầu bỏ thuốc lá
Trước khi bạn cố gắng bỏ hút thuốc lá, hãy dành thời gian phân tích bạn hút thuốc từ khi nào và tại sao lại hút thuốc. Bạn có hút thuốc khi bạn đang căng thẳng hay lo lắng? Bạn có hút thuốc khi bạn cần để tiếp sinh lực cho mình? Bạn có hút thuốc khi những người khác xung quanh bạn đang hút thuốc? Bạn có hút thuốc khi uống rượu?….
Khi hiểu được nguyên nhân của việc hút thuốc, bạn có thể bắt đầu đưa ra các hoạt động thay thế. Ví dụ, nếu bạn hút thuốc trong khi trò chuyện với đồng nghiệp, hãy thay thế bằng việc vừa đi bộ vừa trò chuyện. Nếu bạn hút thuốc khi uống cà phê, xem xét thay đổi thức uống khác để phá vỡ mối liên kết với thuốc lá.
Lên kế hoạch cho những lần bạn bị cám dỗ bằng cách tìm một người nào đó có thể hỗ trợ bạn mỗi khi cảm giác thèm một điếu thuốc lá trỗi dậy.
Tham khảo ý kiến bác sĩ để nhận được sự giúp đỡ trong việc từ bỏ thuốc lá của bạn.
Mức độ khó khăn trong việc bỏ thuốc phụ thuộc vào một số yếu tố và khác nhau giữa phụ nữ. Phụ nữ hút thuốc nhiều hơn một gói một ngày và còn uống cà phê sẽ gặp khó khăn hơn trong việc từ bỏ hút thuốc. Các chị em đang chán nản vì phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống cũng có thể tìm thấy nó khó khăn hơn để bỏ thuốc lá.
Tại sao phụ nữ hút thuốc trở lại sau khi sinh?
CDC ước tính rằng hơn 50% những người phụ nữ ngừng hút thuốc trong khi mang thai sẽ bắt đầu hút thuốc một lần nữa trong vòng sáu tháng sau khi sinh. Nhiều phụ nữ xem thời gian hậu sản là thời điểm để thực hiện những việc ưa thích lúc trước khi mang thai. Một số chị em có vẻ đặc biệt quan tâm với việc giảm cân dẫn đến việc căng thẳng và điều này cũng góp phần cho việc hút thuốc lá trở lại.
Lúc này thì mọi thông tin, lời khuyên hữu ích và sự tư vấn bác sĩ sẽ không còn ý nghĩa với các bà mẹ sau khi sinh. Điều quan trọng là phải có một huấn luyện viên hoặc một người nào đó quan trọng trong cuộc sống của họ để giúp họ nói không với thuốc lá.
Tác hại của việc hút thuốc sau khi sinh
Các nghiên cứu cho thấy rằng nếu phụ nữ sau khi sinh hút thuốc lá hơn 10 điếu thuốc mỗi ngày, số lượng và chất lượng sữa của họ sẽ suy giảm đáng kể. Ngoài ra, phụ nữ hút thuốc lá thường có suy nghĩ nguồn sữa của họ là không đủ tốt, từ đó ít có động lực để cho con bú. Ngoài ra, em bé được nuôi bằng sữa mẹ của các bà mẹ hút thuốc có xu hướng bị đau bụng nhiều và khóc nhiều hơn, có thể dẫn đến cai sữa sớm.
Ngoài ra, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị nhiễm trùng tai và đường hô hấp khi có một người hút thuốc trong nhà. Đã từng có bằng chứng cho thấy rằng bệnh hen suyễn có nhiều khả năng phát triển ở trẻ em có cha mẹ hút thuốc lá.